Bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/11/2021 | 7:38:47 AM

YênBái - Nhiều năm nay, Trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện các hoạt động đưa văn hóa dân tộc vào trong trường học. Đây là những hoạt động thiết thực, giúp học sinh hướng về cội nguồn và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ trao đổi về văn hóa dân tộc với học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ trao đổi về văn hóa dân tộc với học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ.

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh - Hiệu trưởng Trường TH và THCS Hoàng Văn Thụ bày tỏ: "Học sinh dân tộc đến trường được tiếp cận nhiều kiến thức văn hóa mới, nhưng lại ít có điều kiện tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ văn hóa truyền thống của các dân tộc dần mai một. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi cho rằng cần có trách nhiệm trong việc giáo dục, phát huy các giá trị truyền thống trong học sinh. Từ đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động này nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia”. 

Từ năm học 2017 - 2018, nhà trường đã mời các nghệ nhân truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho giáo viên và đội học sinh nòng cốt, sau đó thực hiện phổ biến cho học sinh toàn trường. Nhờ đó, 100% học sinh của nhà trường đã thực hiện được 6 điệu xòe cổ. Các câu lạc bộ bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương như: khắp Thái, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, xòe cổ, chữ Thái cổ được thành lập, có giáo viên phụ trách và xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động cụ thể, rõ ràng. 

Các hoạt động giữa giờ cũng được nhà trường lồng ghép các hoạt động văn hóa dân tộc, cụ thể như: thứ Hai thực hiện múa 6 điệu xòe cổ toàn trường; thứ Ba đồng diễn võ Nhất Nam; thứ Tư chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt các câu lạc bộ; thứ Năm thể dục nhịp điệu; thứ Sáu nhảy dân vũ…, thu hút học sinh toàn trường tham gia. 

Để giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc Thái, nhà trường đã hỗ trợ kinh phí cũng như huy động xã hội hóa để trang trí lớp học đẹp, sinh động hơn bằng những vật dụng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Mường Lò như: khăn piêu, khăn xòe, khèn bè... 

Đây cũng là niềm tự hào khi có du khách đến thăm trường, thăm lớp, từng bước hình thành cho học sinh lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Phong trào tự làm các loại đồ chơi dân gian được phát động trong học sinh. Dưới sự hướng dẫn của ông bà, cha mẹ và các thầy cô giáo, những đồ chơi đơn giản như cà kheo, quả còn… được tạo thành, vừa dùng để trang trí trong lớp học, vừa có thể sử dụng trong các buổi hoạt động giữa giờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp... 

Với phương châm "Mỗi học sinh là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc”, trong năm học, nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như tổ chức thi làm bánh "Pảnh Xíp xí - pảnh wuây” hay còn gọi là "bánh đôi”, thi "Trình diễn thời trang các dân tộc”, hát "Em yêu làn điệu dân ca”; tổ chức cho học sinh tham quan và tìm hiểu các khu du lịch cộng đồng, nghề truyền thống; các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa với các câu lạc bộ của trường bạn. 

Em Cầm Thị Ánh - học sinh lớp 8A chia sẻ: "Đi sâu vào tìm hiểu về văn hóa dân tộc qua các hoạt động mà nhà trường tổ chức, em cùng các bạn đều cảm thấy rất tự hào về dân tộc mình. Khi khoác trên mình bộ quần áo dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa, chúng em không những trân trọng mà còn tự thấy trách nhiệm của một người trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này”. 

Với cách làm này, Trường TH và THCS Hoàng Văn Thụ đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, tạo không khí thoải mái trong học tập, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. 

Hoài Anh

Tags dân tộc học sinh Nghĩa Lộ trường học khăn piêu khăn xòe khèn bè

Các tin khác
Các đại biểu cắt băng khánh thành điểm trường mầm non Vực Bút.

Ngày 24/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở Giao dịch 1, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai, Công ty cổ phần tập đoàn VISIMEX- NIC GROUP tổ chức lễ khánh thành và bàn giao điểm Trường mầm non Vực Bút, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên.

Từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đến châu Á, học sinh phấn khởi trở lại trường sau thời gian dài phải học trực tuyến vì dịch COVID-19.

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Nhung (giữa) - Bí thư Đoàn Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ và nhóm tác giả đoạt giải.

Đến với Cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam”, nhóm 6 em học sinh Chi đoàn 12B3, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ gồm: Hà Thanh Huệ, Nguyễn Trọng Nghĩa, Hà Tố Uyên, Nguyễn Phương Hiền, Lê Bật Hưng, Lường Thị Huệ đã cùng nhau bàn bạc, xây dựng ý tưởng thực hiện video clip.

Viettel trao học bổng Chương trình “Vì em hiếu học” tại xã Lang Thíp, huyện Văn Yên.

Vừa qua, Viettel huyện Văn Yên phối hợp với Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, ban giám hiệu các trường tổ chức trao học bổng Chương trình “Vì em hiếu học” cho học sinh nghèo trên địa bàn 10 xã của huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục