Đại hội sẽ được tổ chức theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Các đại biểu tham dự trực tiếp Đại hội phải đảm bảo đầy đủ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch; có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 có giá trị trong vòng 72 giờ…
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: Hội Khuyến học Việt Nam thành lập năm 1996. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành, đã và đang phát huy năng lực của mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, uy tín của Hội ngày càng được nâng lên.
Ngày đầu thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam có hơn 100.000 hội viên thuộc 21 tỉnh, thành phố. Đến nay, sau 25 năm thành lập, Hội đã có tổ chức tại 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% quận, huyện, thị xã và gần 100% xã, phường, thị trấn. Số lượng hội viên tăng hơn 210 lần so với ngày đầu thành lập. Tính đến hết năm 2020, Hội Khuyến học Việt Nam có hơn 21 triệu hội viên, chiếm hơn 21% dân số của cả nước.
Cùng với sự phát triển hội viên, các chi hội khuyến học và ban khuyến học đã được thành lập ở hầu hết các thôn bản, tổ dân phố và trong nhiều trường học, cơ quan hành chính và sự nghiệp, doanh nghiệp và nhiều đơn vị trực thuộc các Ban, Bộ, Ngành và đoàn thể. Các chi hội khuyến học và Ban khuyến học đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong cuộc vận động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn dân cư trong cả nước.
Trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, Hội luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức những công việc được giao, tạo được uy tín trong nhân dân, là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ được chữ Tín trong xã hội.
Nhiệm kỳ VI năm 2021-2026, những nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài và các đề án mà Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chủ trì, phải quán triệt đầy đủ và sâu sắc những mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Giai đoạn 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên đạt 25% so với dân số của cả nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc phát triển quỹ khuyến học nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, tặng học bổng, phần thưởng cho học sinh, người lao động có thành tích tốt cũng là nhiệm vụ quan trọng của Hội nhằm góp phần động viên, khuyến khích việc học tập.
Cũng trong giai đoạn này, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu cụ thể như: 50% số người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu "Công dân học tập”; 70% số gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập”; 65% số dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập”; 65% số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập”...
GS.TS Phạm Tất Dong cho hay, quá trình 25 năm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua 4 trụ cột chính của sự nghiệp khuyến học: Trụ cột thứ nhất là truyền thống hiếu học của dân tộc và đây sẽ là động lực để phát triển các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030, cũng là cơ sở tâm lý xã hội để triển khai xã hội học tập.
Trụ cột thứ hai là cơ sở tư tưởng "Học không bao giờ cùng", ý chí tự học suốt đời và mục đích làm cho dân tộc trở nên thông thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trụ cột thứ ba là cơ sở chính trị và quản lý với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển nền giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Khuyến học Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện những quan điểm, chủ trương, chính sách giáo dục của Đảng dưới sự quản lý của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Trụ cột thứ tư là cơ sở thực tiễn, tiến hành mọi chủ trương, kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa.
(Theo dangcongsan.vn)