Yên Bái: Nỗ lực hiệu quả dạy và học online

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2021 | 7:35:30 AM

YênBái - Tuần qua, toàn tỉnh Yên Bái có 62 trường và 3 nhóm lớp cho học sinh nghỉ học, trong đó, các cấp học phổ thông chuyển sang dạy và học online. Việc thích ứng nhanh với các tình huống dịch bệnh của các đơn vị trường học là nhờ có sự chuẩn bị chu đáo kế hoạch dạy học với các cấp độ của dịch Covid-19.

Giờ dạy trực tuyến của cô Vũ Hà Phương - Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.
Giờ dạy trực tuyến của cô Vũ Hà Phương - Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.

Buổi dạy trực tuyến của cô giáo Vũ Hà Phương - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái vào 20h30’ ngày 1/12 là buổi đầu tiên của đợt dạy học trực tuyến thứ 3 từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở  nước ta. Song cả cô và trò đều không bỡ ngỡ bởi sự chuẩn bị từ trước. 

Cô Phương chia sẻ: "Bình thường tiết học trực tiếp của tôi diễn ra trong 35 phút, nhưng buổi học tối 1/12 mình dạy hơn 1 giờ đồng hồ. Vì để cho phụ huynh, học sinh có điều kiện chuẩn bị thiết bị, mạng Internet và làm quen lại với cách học online. Buổi học có sự tham gia của hơn 100 học sinh khối lớp 4, phụ huynh quan tâm ủng hộ bằng cách đồng hành cùng con trong suốt buổi học nên tôi khá yên tâm. Suốt buổi học các con tích cực tham gia phát biểu và tham gia các trò chơi tương tác mà tôi chuẩn bị sẵn”. 

Ngay sau khi có thông báo của ngành y tế về 2 trường hợp giáo viên của nhà trường thuộc diện F1, Trường Tiểu học Nguyễn Phúc đã lập tức cho học sinh nghỉ học trong sáng ngày 1/12 và ngay buổi chiều các thầy cô giáo đã triển khai dạy học trực tuyến. 

Đây là năm thứ hai Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thực hiện việc dạy và học trực tuyến. Ngay sau khi có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, nhà trường rà soát có 2 học sinh là F1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường đã họp gấp và báo cáo Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học từ thứ Hai, ngày 29/11 và chuyển sang dạy học trực tuyến ngay. Việc chuyển trạng thái từ dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến thể hiện sự ứng phó linh hoạt, chủ động của Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh với tình hình và diễn biến phức tạp của dịch bệnh. 

Thầy Trần Việt Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã chuẩn bị và hướng dẫn sử dụng các nền tảng trực tuyến như (google form, pallet, k12Online, zoom...) cho học sinh và giáo viên. Nhà trường hiện đang sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến K12Online, ứng dụng này đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến trong Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT. Ngay trong buổi học đầu tiên, Ban Giám hiệu nhà trường cùng dự giờ trực tuyến các lớp học, kiểm tra việc dạy và học trực tuyến ở tất cả các lớp”. 

Được biết, để dạy và học trực tuyến có hiệu quả, nhà trường đã yêu cầu giáo viên tích cực chuẩn bị kế hoạch bài giảng, giáo án điện tử theo hình thức dạy trực tuyến, chuẩn bị các phiếu bài tập trước tiết học và sau tiết học để củng cố bài học, tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học sinh... 

Thầy Nguyễn Trung Nghĩa, giáo viên môn Toán của Trường chia sẻ: "Để học trực tuyến hiệu quả, theo tôi giáo viên cần chuẩn bị kế hoạch bài giảng thật tốt, chuẩn bị các hoạt động theo hình thức sử dụng các nền tảng trực tuyến để học sinh tương tác được với nhau và giáo viên có thể quan sát và thu lại được sản phẩm của hoạt động. Chuẩn bị các phiếu bài tập trước tiết học và sau tiết học để củng cố bài học và tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học sinh. 

Đối với học sinh phải chuẩn bị tốt về thiết bị học trực tuyến; tích cực nghiêm túc trong việc làm bài tập và tham gia trao đổi hoạt động nhóm mà giáo viên yêu cầu; có vở ghi chép bài và sách giáo khoa như học trực tiếp, có thể xem lại bài giảng được ghi lại trên một số nền tảng học tập...”. 

Dạy học trực tuyến là một phần quan trọng trong kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 của ngành GD&ĐT tỉnh. Ngoài chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến theo các cấp độ của dịch bệnh, Sở GD&ĐT còn tổ chức tập huấn về tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên THCS và THPT ngay đầu tháng 11 với 26 lớp cho khoảng 2.200 giáo viên của 14 môn cấp THCS và 12 môn THPT. 

Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: "Hầu hết các giáo viên rất nhanh nhạy trong việc làm chủ công nghệ áp dụng vào dạy học trực tuyến. Sau khi tham gia lớp tập huấn, các giáo viên đã được trang bị kỹ năng dạy trực tuyến do đó thích ứng linh hoạt với các cấp độ của dịch bệnh trong kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị theo đúng tinh thần của ngành "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Đến hôm nay (6/12), do tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, thực hiện Công văn hỏa tốc số 4366 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, học sinh tại các cơ sở giáo dục đang tạm dừng dạy học trực tiếp trước đó đã đi học trở lại. Tuy nhiên, việc dạy và học online sẽ luôn là biện pháp song hành mà ngành giáo dục luôn sẵn sàng khi tình huống xảy ra.

Thanh Ba

Tags Yên Bái dạy học online Covid-19 Thông tư 09

Các tin khác
ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo điều chỉnh quy mô cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Chiều 4/12, đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT), Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của ngành chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục tại 10 điểm cầu tại các huyện, thị, thành phố.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp từ ngày 6/12 tới.

Ảnh minh họa.

Tranh luận việc bỏ hay không bỏ một khẩu hiệu liệu có cần thiết? Bởi, để thổi luồng gió của sáng tạo, khích lệ tư duy phản biện, thay đổi cách dạy học tiếp cận phẩm chất năng lực người học trong các nhà trường, đâu chỉ đơn giản là bỏ một khẩu hiệu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục