Cần phải hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học trở lại được bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho năm 2022, 2023.
|
|
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
"Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như vậy thì khó kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không được toàn thể cho hệ thống giáo dục, đào tạo thì cũng cần phải đạt đến trình độ đó ở những khâu quan trọng, đặc biệt là ở giáo dục đại học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo ông, thách thức đối với giáo dục và đào tạo hiện nay rất lớn, do vừa phải củng cố những yếu tố mang tính nền tảng, tối thiểu, vừa phải thực hiện hiện đại hóa toàn bộ nền giáo dục và chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Trong chuyển đổi số, các khâu, yếu tố như con người, thể chế, tư duy cực kì quan trọng và mang tính quyết định; nhưng tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy cơ sở vật chất đang là khâu cần phải ưu tiên trước tiên.
Bộ trưởng đồng thời chia sẻ một số công việc ngành Giáo dục sẽ ưu tiên thực hiện trong năm 2022. Trước mắt, ngành triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là một giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Đồng thời, cần phải hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học trở lại được bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho năm 2022, 2023.
Kế hoạch dài hơi hơn là thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Cần tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp với các trường đại học.
(Theo TPO)
Sáng 9/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh TT-Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thống nhất cho tất cả các trường THPT trên địa bàn được tổ chức dạy học trực tiếp bình thường trở lại kể từ ngày 13/12.
Đại học Bách khoa Hà Nội, Thuỷ lợi, Giao thông vận tải dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, tăng tỷ lệ tuyển sinh theo hình thức mới.
Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định. Học sinh được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.
Ngày 6/12, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đoàn học sinh Hà Nội đại diện cho đội Việt Nam dự Kì thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lí Thiên văn (tên viết tắt tiếng Anh là IOAA) đã giành thành tích xuất sắc khi 5/7 thí sinh dự thi đạt được huy chương.