F0 tăng, Bộ Giáo dục- Đào tạo kiên định cho học sinh trở lại trường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/2/2022 | 9:39:46 AM

Hai tuần sau kỳ nghỉ tết, số giáo viên, học sinh bị F0 trên cả nước tăng lên hàng chục nghìn người. Mặc dù phụ huynh và dư luận xã hội lo lắng, song Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vẫn kiên định đưa học sinh trở lại trường học.

Giáo viên và học sinh Hà Nội dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 đang hết sức căng thẳng
Giáo viên và học sinh Hà Nội dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 đang hết sức căng thẳng

Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên (GV) mầm non, phổ thông; tình hình dạy và học trong bối cảnh Covid-19 diễn ra ngày 25.2, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức.

Hàng chục ngàn giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 sau tết

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, toàn ngành giáo dục ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, GV, giảng viên, học sinh (HS), sinh viên (SV) nhiễm Covid-19. Trong đó, cán bộ, GV là 27.677 người; trẻ em, HS, SV là 135.244.

Đáng chú ý, sau tết khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ GV, HS nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Tình hình trên dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học sang trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, GV và HS. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ mầm non, HS tiểu học đến trường, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin.

Theo Bộ GD-ĐT, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, GV kiêm nhiệm phòng, chống dịch (theo dõi, thống kê, báo cáo…). Kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kit xét nghiệm nhanh…) và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.

Trong khi đó, một số phụ huynh HS còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học. "Các trường phải thực hiện song song 2 hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, điều này gây khó khăn cho các trường có điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị còn hạn chế”, ông Độ cho hay.

Sau 30.4 có thể tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi

Đồng cảm với những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về dịch bệnh, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ: "Sau 2 tuần đi học trở lại, nhiều điểm trường vừa mở xong lại đóng cửa học trực tuyến. Mấy ngày gần đây có trên 60.000 ca nhiễm/ngày, hơn 100 ca tử vong. Ai cũng có con có cháu, nhất là gia đình có trẻ chưa tiêm vắc xin, tôi nghĩ đây là vấn đề phụ huynh, HS đều lo lắng khi đến trường”.

Theo ông Mẫn, thời gian kết thúc năm học 2021 - 2022 còn 3 tháng. Không chỉ vấn đề an toàn khi mở trường, nhiều vấn đề khác phụ huynh, HS cũng quan tâm như: thi cử, đánh giá năng lực phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng môi trường lành mạnh; kiểm định giáo dục; an toàn cho HS trong môi trường mạng…

"Đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ khó khăn, thách thức, các giải pháp an toàn cho trẻ, nhất là HS dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin. Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan phải trả lời vấn đề mà cử tri quan tâm, đồng thời đưa ra đề xuất khi mở cửa, đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh hết sức phức tạp”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay đến ngày 25.2, trẻ từ 12 - 18 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 94%, mũi 3 đạt 32%. "Chính phủ đã có nghị quyết đồng ý cho Bộ Y tế mua gần 22 triệu liều vắc xin Pfizer, tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Bộ Y tế đề nghị đối tác chuyển vắc xin chậm nhất trước 30.4 để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ. Khi vắc xin về, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho y tế cơ sở làm sao đảm bảo an toàn, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất”, ông Tuyên thông tin.

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh về việc "trẻ đến trường có an toàn hay không?”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thống kê, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc Covid-19 chỉ có 19,2%, tử vong 0,4%. "Hầu hết tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 diễn biến nhẹ, tử vong chiếm rất thấp trong tổng số tử vong nói chung. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết. Phụ huynh, nhà trường thực hiện tốt, có thể yên tâm đưa trẻ đến trường trong tình hình mới”, ông Tuyên chia sẻ.

Nhất quán đưa học sinh trở lại trường

"Còn hơn 2 tháng nữa là hết năm học, trong khi theo các chuyên gia khuyến cáo, với tình hình này từ 1 - 2 tháng sẽ lên đỉnh dịch. Đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc lợi ích mang lại khi cho trẻ em đến trường. Bộ GD-ĐT đã lựa chọn giải pháp nào tối ưu, đánh giá những mặt được đánh giá hiệu quả an toàn hay không?”, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thông thường cuối tháng 5 kết thúc năm học, nhưng trong tình hình dịch, tùy tình hình, các địa phương có thể lùi năm học đến giữa hè hoặc cuối hè, không nhất thiết phải kết thúc vào tháng 5. Nơi ảnh hưởng ít thì chậm một ít và ảnh hưởng nhiều thì giãn ra. Hiện nhiều tỉnh đang an toàn vẫn học bình thường.

Trước những lo lắng của phụ huynh về việc mở lại trường học trong tình hình dịch bệnh bùng phát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay qua khảo sát tại các địa phương, việc đưa HS quay lại trường là mong muốn tha thiết của phụ huynh và HS. Do dịch bùng phát, tâm lý lo ngại của phụ huynh bộn bề ngổn ngang. Định hướng của Bộ GD-ĐT là nhất quán đưa HS quay trở lại trường học dẫu có nhiều băn khoăn. Ông Sơn chia sẻ: "Qua khảo sát thực tế, các lớp học, các vùng GV và HS rất bình tĩnh ứng phó. Phần lo lắng rơi vào phụ huynh và xã hội nhiều hơn. Khi ứng phó với dịch, có nhiều vấn đề phát sinh, rất khó có phương án nào vừa đầy đủ toàn diện mọi nhẽ mọi khâu. Phương án chúng tôi đưa ra căn cứ vào cấp độ dịch, linh hoạt từng địa phương, nhưng kiên định là sẽ đưa HS quay trở lại trường học”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Minh cho biết qua ý kiến từ cơ sở, có 18% số ca lây nhiễm từ trường học, còn lại lây từ gia đình, ngoài xã hội. Phương án mở cửa trường học không thể khác được, người lớn thích ứng an toàn thì không thể không cho HS SV thích ứng an toàn, cho nên không thể không cho các em đến trường.

(Theo TNO)

Các tin khác
Bài 26, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy âm

Tổng chủ biên sách lên tiếng trước phản ánh sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, đảm bảo giáo viên phải là người giỏi nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường Tiểu học & THCS Minh Chuẩn.

Huyện Lục Yên hiện có 15 trường học thực hiện mô hình bán trú với 736 học sinh. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo huyện và các bậc phụ huynh, đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của con em các dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Nhiều học sinh khó khăn được đầu tư ngày càng khang trang, đáp ứng môi trường sư phạm.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 39-KH/UBND về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục