Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ: Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2022 | 7:55:22 AM

YênBái - Trường Trung cấp Dân tộc nội trú (TCDTNT) Nghĩa Lộ đã gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giúp học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ được thực hành trên mô hình sau khi học lý thuyết.
Học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ được thực hành trên mô hình sau khi học lý thuyết.

 

>> Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ: Gắn dạy nghề với giới thiệu việc làm 

 Cụm từ "đào tạo nghề gắn với DN" vài năm gần đây được nhắc thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ sở GDNN đều nhận thức rõ về việc gắn kết, hợp tác với DN mang lại lợi ích vô cùng thiết thực cho các bên liên quan là: người học, cơ sở GDNN, DN và xã hội. 4 bên đều được hưởng lợi và có hiệu quả về nhiều mặt khi thực hiện đào tạo gắn với DN. 

Năm học 2021-2022, Trường TCDTNT Nghĩa Lộ đào tạo và liên kết đào đạo 89 lớp với 3.411 lượt học sinh. Trong đó, tuyển sinh được 500/350 học sinh trình độ trung cấp, vượt 142% so với kế hoạch giao (gồm đào tạo nghề phi nông nghiệp như: điện công nghiệp, hàn, may thời trang, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí…; nghề nông nghiệp như: bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng nấm…). 

Để tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhà trường đã xây dựng nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn các xã, bảo đảm phù hợp với nhu cầu học nghề của từng địa phương; quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên bằng việc tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra hồ sơ giáo án, cải thiện phương pháp giảng dạy theo hướng tăng thời lượng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đúng quy chế để nâng cao chất lượng đào tạo giúp học viên vững tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp, có kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của DN. 

Có thể nói, Trường TCDTNT Nghĩa Lộ là một trong số ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mối quan hệ mật thiết với các DN tại địa phương trong việc tạo điều kiện cho học sinh đi thực tế, thực tập. Nhà trường thường xuyên liên kết với DN để học sinh có môi trường thực tập tốt nhất. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, các DN đều chủ động thông báo với nhà trường về kết quả rèn luyện của từng học sinh và kèm theo thông tin tuyển dụng để học sinh có cơ hội đăng ký vào làm việc.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, nhà trường tổ chức cho gần 300 học sinh hệ trung cấp thực tập tại các DN đóng trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh của trường tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 82%, với mức lương khởi điểm bình quân đạt 5 triệu đồng/tháng. Những con số cho thấy công tác GDNN gắn với DN, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường là hướng đi đúng đắn của Trường TCDTNT Nghĩa Lộ.

Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường TCDTNT Nghĩa Lộ chia sẻ: "Quy trình học nghề hiện nay có 4 bước là: tuyển sinh, đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo và giới thiệu tìm kiếm việc làm. Theo thực tế tại nhà trường thì khâu tuyển sinh, tìm kiếm việc làm đang có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên nhà trường đang gặp khó khăn trong công tác đào tạo và đánh giá chất lượng. Do đó, mặc dù đã thực hiện việc gắn kết nhà trường với DN trong công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng song kết quả chưa được như mong đợi”. 

Nguyên nhân khiến công tác đào tạo của nhà trường còn hạn chế là do chất lượng đầu vào còn thấp, 100% học viên là người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo nên việc học chủ yếu phụ thuộc vào nhà trường. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn bất cập và chưa thực sự cuốn hút người học, chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, của DN. 

Việc học văn hóa theo khung và chương trình học rất chặt về thời gian, khối lượng kiến thức nhiều nên khó sắp xếp chương trình học nghề và cả việc cho học sinh đi thực hành, thực tập tại các DN. 

Bên cạnh đó, vẫn còn giáo viên của nhà trường chưa có phương pháp giảng dạy khoa học, cuốn hút, việc truyền lửa cho học sinh còn hạn chế, chưa đưa công nghệ thông tin, bài giảng điện tử vào giảng dạy. Trang thiết bị đào tạo nghề của nhà trường với DN không đồng nhất, thiết bị còn lạc hậu, chưa theo được so với yêu cầu thực tế tại DN. Sự tham gia của DN vào việc đánh giá chất lượng đào tạo chưa được DN quan tâm…

Để tiếp tục đưa công tác đào tạo nghề gắn với DN và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường cần có quá trình và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thời gian tới, để công tác đào tạo nghề gắn với DN đạt hiệu quả hơn, Trường xác định tập trung nâng cao chất lượng giáo viên bằng việc cử đi đào tạo mới, đào tạo lại, tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề. Làm tốt công tác phối hợp với DN để cử cán bộ tới học việc tại DN nhằm tiếp cận kiến thức mới, trang thiết bị hiện đại. 

Đổi mới phương pháp tiếp cận, đào tạo, quản lý học sinh, đồng thời triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy kết hợp với đào tạo. Đồng bộ hóa việc quản lý, đào tạo từ cơ quan quản lý đến nhà trường, người học nhằm bảo đảm kết nối liên thông trong các hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm sau khi học sinh tốt nghiệp…

Thu Hiền

Tags Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ công tác đào tạo nghề doanh nghiệp bảo vệ thực vật kỹ thuật trồng nấm

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin cụ thể về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi môn học này trở thành môn tự chọn ở cấp THPT.

Ảnh minh họa.

Có 3 trường hợp thí sinh được miễn thi tất cả bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các điểm cầu tại lễ khai mạc trực tuyến Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc năm 2022.

Sau hai năm không thể tổ chức thi do dịch bệnh, ngày 23-4, lễ khai mạc kỳ thi Olympic Toán học học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ 28 đã diễn ra với hình thức trực tuyến.

Một buổi khai giảng lớp học chữ Nôm Dao tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

Hội Khuyến học tỉnh vừa phối hợp với Ban chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình, phương pháp dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái” đã tổ chức khai giảng 5 lớp học chữ Nôm Dao tại: xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; xã Tân Hương, huyện Yên Bình; xã Minh An, huyện Văn Chấn; xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục