Kiến nghị dừng dạy văn hoá trong trường nghề từ năm học mới 2022 - 2023

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2022 | 7:18:49 AM

Bộ GD&ĐT kiến nghị từ khóa tuyển sinh năm 2022, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy chương trình văn hóa phải phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp để tổ chức dạy học.

Ảnh: minh hoạ
Ảnh: minh hoạ

Bộ GD&ĐT vừa có Công văn trình Chính phủ về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (chương trình văn hóa) từ khóa tuyển sinh năm 2022 phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để thực hiện.

Báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT cho biết theo quy định hiện hành, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được tổ chức giảng dạy tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, để thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 1151 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo việc thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông THPT theo hướng: đối với những cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước, hiện đang tổ chức giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì cho phép các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp này tiếp tục tổ chức dạy học.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng Chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Đối với các khóa học của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh từ năm học 2022-2023, để đảm bảo thực hiện được các Chương trình học, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người học cũng như các quy định hiện hành, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải phối hợp các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy học.

Lý giải về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Bộ đang xây dựng Thông tư ban hành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo cùng chuẩn đầu ra của các khối lớp và thực hiện đồng bộ với Chương trình THPT từ năm học 2022-2023.

Bộ GD&ĐT cho hay theo quy định của Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông phải được thực hiện với thời lượng đầy đủ trong 3 năm học cho các khối lớp 10, 11, 12.

Còn đối với Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cũng phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học, nhưng được thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện của học viên về hình thức tổ chức dạy học, địa điểm, để đáp ứng nhu cầu của người học.

Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định "thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo".

Do đó, học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ 1 đến 2 năm, không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Mặt khác, Luật Giáo dục 2019 cũng quy định học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (điều này là không thể nếu trung tâm giáo dục thường xuyên không dạy học viên).

Về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực rà soát, hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian sớm nhất.

(Theo TPO)

Các tin khác

Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 26-4 đến hết ngày 28-4-2022, các Sở giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm lập và cấp cho học sinh lớp 12 năm học 2021-2022 tài khoản và mật khẩu để các em truy cập hệ thống quản lý thi, phục vụ cho việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022 bằng hình thức trực tuyến (ảnh minh họa)

Bắt đầu từ hôm nay (26/4) đến hết ngày 3/5, thí sinh lớp 12 trên cả nước có thể đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) để thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ được thực hành trên mô hình sau khi học lý thuyết.

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú (TCDTNT) Nghĩa Lộ đã gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giúp học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin cụ thể về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi môn học này trở thành môn tự chọn ở cấp THPT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục