Yên Bái đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu học nghề với nhu cầu sử dụng nhân lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/5/2022 | 7:38:48 AM

YênBái - Được xác định là một trong những "cánh cửa” giúp học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Yên Bái đã thực hiện tốt việc giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Đến nay, tỷ lệ học sinh Yên Bái tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%, vượt 0,5% chỉ tiêu giao. Trong ảnh: Học sinh Yên Bái tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp.
Đến nay, tỷ lệ học sinh Yên Bái tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%, vượt 0,5% chỉ tiêu giao. Trong ảnh: Học sinh Yên Bái tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

>>Yên Bái quan tâm định hướng nghề cho học sinh cuối cấp

Năm 2021, Yên Bái phấn đấu có 59,2% trường THCS và 61,5% trường THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học GDNN đạt tối thiểu 24%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt tối thiểu 44%... 

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể liên quan trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác GDHN, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. 

Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, GDNN, các bậc phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của GDHN và định hướng phân luồng học sinh; đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu về GDHN và phân luồng học sinh vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. 

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo vận động học sinh tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS và THPT, thực hiện chỉ tiêu phân luồng đảm bảo kế hoạch được giao.

Thực hiện GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tỉnh đã huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh. 

Nổi bật là sự phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với ngành lao động - thương binh và xã hội và các địa phương trong tuyên truyền về GDNN, thông tin thị trường lao động, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, tuyển dụng lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực, các chính sách ưu đãi trong học nghề; tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm... 

Khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT gắn với việc vận động, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; khảo sát thống kê nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THCS của học sinh lớp 9, nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12; định hướng cho học sinh các hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sức học, năng lực, sở trường, nguyện vọng học tập, điều kiện hoàn cảnh gia đình..., đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu học nghề với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động; có biện pháp tư vấn riêng cho từng học sinh... 

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh cho biết: Các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết tổ chức cho học sinh vừa học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề đảm bảo chất lượng; tăng cường gắn kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn tuyển sinh, tư vấn việc làm cho học sinh. 

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tích cực vận động, định hướng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT, học sinh tốt nghiệp THPT không đi học đại học và học sinh có học lực trung bình hoặc yếu kém tham gia học nghề để lập thân, lập nghiệp... 

Cùng với đó, ngành GD&ĐT Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông đổi mới, bổ sung, cập nhật nội dung GDHN trong các môn học, hoạt động giáo dục; đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với đối tượng học sinh và thực tế nhà trường. 

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác GDHN, phân luồng học sinh. Huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với công tác GDHN trong giáo dục phổ thông. 

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn, hướng nghiệp nhằm tăng số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề, nhất là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thống kê đầy đủ nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT gắn với việc vận động, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông…, đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN đạt 25%, vượt 1% so với chỉ tiêu giao; vào học THPT đạt 57,7%; vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đạt 15%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt 44,5%, vượt 0,5% chỉ tiêu giao. Qua đó, giúp học sinh vào học các trình độ GDNN phù hợp với năng lực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền về GDHN và định hướng phân luồng học sinh được Yên Bái quan tâm: Tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông trại; tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, việc làm; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; tổ chức hoạt động tọa đàm, giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục với các nhà quản lý, chuyên gia tư vẫn, doanh nhân, những người thành đạt trong các lĩnh vực nghề; tổ chức kết nối giữa nhà trường phổ thông với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh...

Thầy giáo Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên:



Hàng năm, nhà trường đều thành lập Tổ Tư vấn để hướng nghiệp cho học sinh; lãnh đạo nhà trường trực tiếp hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và các trường đại học, cao đẳng tư vấn hỗ trợ cho học sinh. 

Thông qua các buổi tư vấn, học sinh nắm được những bước cơ bản để chọn ngành nghề như: quan tâm đến năng lực bản thân, xu hướng nghề nghiệp tương lai, điệu kiện kinh tế gia đình, chọn ngành nghề trước khi quyết định chọn trường đại học.

Thầy giáo Lê Đỗ Nam - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái:



Năm nay, hoạt động hướng nghiệp của nhà trường đã được quảng bá rộng rãi qua hoạt động tư vấn trực tiếp và trực tuyến với các khách mời có uy tín, thành đạt là những cựu học sinh của Trường. Những hoạt động như vậy đã góp phần truyền cảm hứng, giúp các em có thêm hiểu biết và quyết tâm theo đuổi mục đích của mình. 

Em Nguyễn Hải Ngân - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên:



Trước khi được tư vấn hướng nghiệp, em và nhiều bạn băn khoăn không biết lựa chọn ngành nghề gì, thi vào trường đại học nào. Sau khi được các thầy, cô giáo trực tiếp hướng dẫn, tư vấn về thực trạng nguồn lao động, sinh viên ra trường không có việc làm…, em đã giải tỏa được những băn khoăn và quyết định lựa chọn một ngành nghề khối D của một trường thuộc lĩnh vực kinh tế. Với lựa chọn của mình, em đặt mục tiêu thi đỗ và sau khi ra trường mong muốn có một công việc ổn định. 

Em Trần Hoàng Minh Thư - lớp 12A2, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái:



Sau khi được tư vấn hướng nghiệp, chúng em đã sẵn sàng chuẩn bị cho mình phương án 2 nếu chẳng may thất bại. Chúng em có thể không đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn, nhưng chúng em cần sự cổ vũ tinh thần, động viên vì đại học không phải con đường duy nhất. 


"Chọn nghề đúng - Sáng tương lai"

Những năm qua, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT được huyện Văn Yên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần cơ cấu lại nguồn nhân lực, định hướng quy mô đào tạo và phát triển ngành nghề gắn với nhu cầu của xã hội.


Học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh việc làm năm 2022 tại huyện Văn Yên. 

Một ngày giữa tháng 5/2022, trên 200 học sinh lớp 12 của Trường THPT Chu Văn An có mặt tại Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh việc làm năm 2022 với thông điệp "Chọn nghề đúng - Sáng tương lai” được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Văn Yên. 

Tham gia Ngày hội, học sinh lớp 12 của Trường THPT Chu Văn An cũng như học sinh lớp 9 của các trường THCS và học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn huyện đã được tham quan phần trình diễn kỹ năng nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nghe tư vấn, hỗ trợ lựa chọn nghề nghiệp của các công ty, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. 

Em Phạm Quốc Toản - học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chu Văn An cho biết: Tham gia Ngày hội, ngoài việc có được đầy đủ thông tin về các chương trình đào tạo, chúng em cũng nắm được xu hướng nghề nghiệp, những ngành nghề mà xã hội sẽ có nhu cầu cao trong giai đoạn tới; được trao đổi, tư vấn thông tin thiết thực giúp chúng em có được định hướng nghề nghiệp, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân và sở thích của mình. 

Để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, các trường nghề trong và ngoài tỉnh đến làm công tác tuyển sinh, tư vấn, hướng nghiệp nghề giúp học sinh, phụ huynh được tiếp cận các thông tin về các trường dạy nghề, ngành nghề đào tạo; nắm bắt xu hướng việc làm của thị trường lao động và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương. Chỉ đạo Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở các lớp trung cấp nghề trên địa bàn, tạo điều kiện cho học sinh GDTX kết hợp với học trung cấp… 

Theo đó, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, các địa phương đã triển khai tương đối hiệu quả việc thực hiện chỉ tiêu phân luồng gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
Được biết, năm 2021, toàn huyện có gần 700 học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng; 23,7% tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, trên 50% học sinh (tăng 4,5% kế hoạch tỉnh giao) vào học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, nghề dưới 3 tháng đối với phân luồng sau tốt nghiệp THPT. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lã Thị Liền cho biết: Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc giảng dạy hướng nghiệp và phân luồng học sinh. 

Chỉ đạo việc khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT và tư vấn, vận động học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ; tổ chức các hội nghị về công tác phân luồng để giúp phụ huynh, học sinh có cái nhìn cụ thể hơn về môi trường học tập cũng như tại các cơ sở đào tạo ngành nghề nói chung. 

Thông qua các hoạt động đó giúp các em định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường và năng lực của bản thân, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Xác định phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%, tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt khoảng 80%, đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt khoảng 90%. 


Sinh viên lớp Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành tại Trại Thực nghiệm chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thành phố Yên Bái. 

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục và chính quyền các địa phương quan tâm làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hiện đào tạo nghề nghiệp hệ chính quy các hệ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, gia công thiết kế sản phẩm mộc, công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, nông lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y. 

Trong năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, nhà trường đã kết nối với hơn 30 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh, nhằm giúp học sinh, sinh viên của nhà trường có cơ hội được rèn luyện tay nghề, trải nghiệm công việc thực tế tại DN; tổ chức được 79 đoàn thực tập sản xuất với hơn 1.200 lượt học sinh tham gia tại các DN trong và ngoài tỉnh như: Công ty Canon Việt Nam, Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát, Công ty LG Việt Nam Hải Phòng, Công ty Kim khí Thăng Long; Công ty Điện cơ Hà Nội, Hyundai Yên Bái, Công ty TNHH Thương mại ô tô Vina Hòa Bình… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh ra trường hàng năm tìm được việc làm đạt hơn 95% và có mức thu nhập cao. 

Thầy giáo Dương Dũng Thắng - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, nhà trường thường xuyên nắm bắt nhu cầu lao động của DN và khảo sát nhu cầu giới thiệu việc làm của học sinh, sinh viên để từ đó điều chỉnh kịp thời phương pháp đào tạo, chương trình đào tạo với mục tiêu sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. 

Là đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực giữa nhà trường với các DN, hiện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, huyện Yên Bình đang phối hợp đào tạo cho sinh viên vừa học nghề, vừa có thu nhập, thời gian nửa ngày hoặc vào ngày cuối tuần với các ngành nghề chính là làm du lịch, nấu ăn, pha chế. 

Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt cho biết: Với sinh viên, việc liên kết giữa nhà trường và DN giúp các em có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường thực tế, vững tay nghề, dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Về phía DN, đây là cơ hội để tuyển người lao động có năng lực, phù hợp nhu cầu mà không tốn chi phí tuyển dụng và thời gian thử việc cũng như đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp. 

Có thể thấy, việc liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN đang là hướng đổi mới khá hiệu quả trong công tác hướng nghiệp dạy nghề cần được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. 

Tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, phát triển thị trường lao động đồng bộ, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. 

Đồng thời, chú trọng tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động; làm tốt công tác tạo nguồn lao động, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN, từng bước gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thành Trung - Thanh Chi - Hoài Văn

Tags Yên Bái Văn Yên giáo dục nghề nghiệp giáo dục hướng nghiệp giáo dục phổ thông

Các tin khác
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 19/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về giáo dục dân tộc, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và công tác triển khai Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT ngày 11/1/2021 của Bộ GD&ĐT về kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025.

Từ ngày 19/5, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng/người lên 4 triệu đồng/tháng/người.

Một mô hình tại Ngày hội STEM.

Sáng nay - 19/5, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Ngày hội STEM năm 2022 với chủ đề “Trải nghiệm khoa học - Kết nối yêu thương” và tư vấn tuyển sinh năm 2022.

Vòng quốc gia cuộc thi giải Toán, Vật lý qua Internet năm học 2021 – 2022 thu hút sự tham gia của gần 65.000 học sinh trên toàn quốc.

Danh sách hơn 7.400 học sinh đoạt giải quốc gia cuộc thi giải Toán, Vật lý qua Internet (Violympic) năm học 2021 – 2022 vừa được Ban tổ chức công bố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục