Từ những sáng kiến kinh nghiệm của mình, các thầy, cô đã lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Không chỉ khơi nguồn cảm hứng, nhiều sáng kiến kinh nghiệm còn giúp học trò chinh phục ước mơ.
Giờ ôn tập Toán của các em học sinh lớp 7A, Trường THCS thị Trấn Mậu A, huyện Văn Yên thật sôi nổi. Mỗi câu trả lời đúng lại được thầy giáo thưởng đôi khi là một chiếc kẹo, hay một chiếc bút, một quyển sổ nhỏ hay có khi là một tràng pháo tay giòn giã của các bạn trong lớp...
Sáng kiến biến một giờ ôn tập đơn điệu thành một giờ ôn tập hứng thú, khơi nguồn cảm hứng học tập cho học sinh này là của thầy giáo Lại Thế Anh - giáo viên Toán - Lý, Trường THCS thị trấn Mậu A. Phương pháp ấy đã được thầy Thế Anh áp dụng nhiều năm giảng dạy và tới năm 2022, thầy mới viết thành sáng kiến mong muốn chia sẻ những cách làm hiệu quả và được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên đánh giá cao.
Thầy Thế Anh chia sẻ: "Năm học 2018 - 2019, tôi được phân công dạy Toán lớp 9. Nhận thấy học sinh không hào hứng, uể oải với mỗi giờ ôn tập, trong khi đó giờ ôn tập lại rất quan trọng trong việc hệ thống lại kiến thức nên tôi đã nghĩ cần phải thay đổi. Học sinh đã rất hào hứng với phương pháp mới này, các em vừa được chơi, vừa được học, lại hệ thống được kiến thức cũ. Những trò chơi được sáng tạo dựa trên chương trình đường lên đỉnh Olympia. Phương pháp này áp dụng được với tất cả đối tượng học sinh, kể cả học sinh khuyết tật".
Thầy Thế Anh đã vận dụng kiến thức vào mỗi trò chơi, khai thác hoạt động cả giờ học rồi tổ chức liền mạch thành 4 trò chơi theo 4 hoạt động chính là khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Đặc biệt, khi chia đội, thầy bố trí các bạn học tốt kèm các bạn yếu hơn và yêu cầu các bạn yếu sẽ phải là người đại diện cho đội trả lời. Em Nguyễn Đức Thịnh, lớp 7A, chia sẻ: "Em rất thích mỗi giờ ôn tập của thầy Thế Anh. Rất vui mà chúng em lại dễ dàng hệ thống được kiến thức đã học trước đó”.
Trong những năm qua, ngành GD&ĐT huyện Văn Yên rất chú trọng khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên toàn ngành đổi mới phương pháp, hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng những sáng kiến ý nghĩa.
Ngay từ đầu các năm học, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức tốt việc phát động phong trào nghiên cứu khoa học và viết báo cáo sáng kiến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai.
100% trường trực thuộc đã tiến hành tổ chức đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân, đồng thời, đăng ký viết sáng kiến với Phòng GD&ĐT. Riêng năm học 2021 -2022, toàn ngành GD&ĐT huyện có 593 sáng kiến được đăng ký, trong đó ở bậc mầm non 243 sáng kiến, tiểu học 196 sáng kiến, THCS 154 sáng kiến.
Các sáng kiến đã bám sát nhiệm vụ được giao, bám sát trọng tâm của ngành học, cấp học, tập trung nhiều vào các vấn đề: đổi mới công tác quản lý; đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác chủ nhiệm lớp; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên trong tổ chuyên môn; công tác xây dựng trường học "Xanh, sạch, đẹp”, xây dựng trường học hạnh phúc; ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý học sinh bán trú...
Bà Lê Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Phong trào sáng kiến kinh nghiệm có vai trò quan trọng đối với cán bộ, giáo viên toàn ngành. Bởi thông qua đó, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ giáo viên có ý thức cao hơn đối với công việc, đồng thời việc lựa chọn đề tài phù hợp với các hoạt động giáo dục không chỉ dạy và học mà còn là kỹ năng sống, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.
Qua phong trào, cán bộ, giáo viên toàn ngành GD&ĐT huyện được sự chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Đặc biệt, những năm gần đây, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được viết theo nhóm chất lượng cao, sức lan tỏa lớn. Các sáng kiến kinh nghiệm không chỉ là của cá nhân mà là của cả một cấp học. Phòng xác định những sáng kiến chất lượng sẽ được tổ chức xây dựng thành hội thảo chuyên đề theo từng cấp học. Từ đó, tác động tới việc nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương”.
Thanh Ba