Ngành giáo dục Yên Bái nỗ lực tổng lực hoàn thành nhiệm vụ năm học

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/7/2022 | 7:34:55 AM

YênBái - Năm học 2021 - 2022 là năm học cực kỳ khó khăn của thầy và trò trong cả nước nói chung và Yên Bái nói riêng khi phải dạy và học trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhìn lại chặng đường đã qua, đó thực sự là nỗ lực của toàn ngành giáo dục- đào tạo (GD&ĐT) và đặc biệt là của thầy và trò trong các cơ sở giáo dục.

Một tiết học giáo dục STEM tại Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Một tiết học giáo dục STEM tại Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.


Còn nhớ năm học 2021-2022, các cấp học trong tỉnh được bắt đầu bằng lễ khai giảng vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Mặc dù là vùng xanh an toàn khi bắt đầu năm học, song Yên Bái cũng xác định việc diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, do đó ngay từ đầu năm học, ngành đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường học tranh thủ thời gian "vùng xanh” dạy đẩy chương trình với các môn học nhóm 1. 


Sang học kỳ II, Yên Bái bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, thầy và trò các trường học thích ứng linh hoạt chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Gần 1 học kỳ của năm học, thầy và trò phải tương tác qua màn hình máy tính, điện thoại để chương trình năm học của các trường không bị gián đoạn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, toàn ngành thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức dạy học. 

Đồng thời đã có nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục; tổ chức dạy học linh hoạt bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến, giao bài, dạy các nội dung cốt lõi... để hoàn thành nội dung, chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. 

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, học sinh quay lại trường, thầy trò lại tiếp tục quãng thời gian cam go: vừa bù đắp kiến thức vừa hối hả thi cử trên tinh thần nỗ lực chung của cả thầy và trò để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Dù vậy, toàn ngành luôn chủ động tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng. 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; đa dạng hóa các hình thức học tập, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống... 

Thực hiện nghiêm túc cam kết chất lượng đầu năm và bàn giao chất lượng cuối năm học. Kết quả, ở bậc giáo dục mầm non 97% trẻ mẫu giáo đạt được kết quả mong đợi ở các lĩnh vực phát triển; 99,8% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,4%, thể thấp còi giảm 0,3%. 

Ở bậc giáo dục phổ thông: học sinh được phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực; trên 98% học sinh tiểu học được đánh giá đạt các phẩm chất và năng lực, 99,2% học sinh được đánh giá hoàn thành trở lên môn Toán và Tiếng Việt, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,7%; 44,5% học sinh THCS xếp loại học lực khá giỏi, tăng so với năm học trước, 62,8% học sinh THPT xếp loại học lực khá giỏi, tăng so với năm học trước.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 29 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, tăng 3 giải, xếp thứ 6 trong 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành (tăng 8 bậc so với năm học trước). Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc được chú trọng; đã có nhiều giải pháp tích cực huy động học sinh ra lớp. 

Công tác phổ cập giáo dục đạt nhiều kết quả cao. 100% xã, phường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt 3 mức độ, 9/9 huyện, thị thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III... 

Cũng trong năm học vừa qua, toàn ngành đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tích cực tham mưu triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em”…

Những kết quả đạt được trong năm học vừa qua là sự khẳng định những nỗ lực của toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học, đồng thời chuẩn bị tâm thế vững vàng để bước vào năm học 2022-2023.
Thanh Ba

Tags Yên Bái năm học mới giáo dục vùng xanh

Các tin khác
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện góp phần phòng ngừa bạo lực học đường.

Năm 2020, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai hệ thống phòng ngừa bạo học đường trong các cơ sở giáo dục. Sau gần 2 năm triển khai, nhiều địa phương, trường học đã thực hiện hiệu quả công tác này.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, cùng với cả nước, trên 8.000 thí sinh của tỉnh Yên Bái sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đến thời điểm này, cùng với chuẩn bị kiến thức và tâm lý cho sĩ tử, các đơn vị, trường THPT, các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để kỳ thi diễn ra an toàn và thành công.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định phê duyệt tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Cán bộ, giáo viên, học sinh tham khảo tài liệu này tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa chỉ https://moet.gov.vn.

Thí sinh là F0 (thí sinh mắc Covid-19) được xét đặc cách tốt nghiệp nếu xác định nhiễm bệnh trong thời gian trước thi 10 ngày, thí sinh là F1 chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không bị cách ly, vẫn thi bình thường.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ chính thức diễn ra. Dưới đây là các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục