Đừng chối bỏ cảm giác thất vọng
Sau mỗi thất bại, chúng ta thường trải qua một loạt cảm giác tiêu cực như lo lắng, thất vọng, xấu hổ tự trách và xuất hiện một số suy nghĩ tiêu cực về bản thân như "mình là kẻ thất bại", "mình thật vô dụng", "mình chẳng thể nào khá hơn được", "thế là hết"… cùng với nhiều hành vi như thu mình lại, so sánh bản thân với những người xung quanh để rồi càng cảm thấy tiêu cực hơn.
Đây là thời điểm rất nhạy cảm và dễ tổn thương với các bạn trẻ đặc biệt là những bạn học sinh trong lứa tuổi vị thành niên đang háo hức muốn khẳng định bản thân và tự đặt cho mình quá nhiều áp lực kỳ vọng.
Càng đứng trước những kỳ thi quan trọng mang tính bước ngoặt, thất bại lại càng là một sang chấn tâm lý lớn mà nếu không được hỗ trợ đúng cách, không ứng phó một cách phù hợp, nhiều hệ quả tiêu cực có thể xảy đến với các em học sinh làm thay đổi cả con đường tương lai thậm chí có thể cướp đi tính mạng của các em.
Phần lớn các em đều không biết một sự thật là chúng ta học được từ những "cú ngã" của bản thân nhiều hơn nhiều so với việc học từ bài học thành công của người khác. Và cách tốt nhất để đương đầu với một thất bại to lớn là hãy đón nhận cảm xúc của bạn. Vì càng cố chối bỏ, quên đi cảm giác thất vọng chỉ làm cho sự thất vọng gia tăng mà thôi.
Cha mẹ hãy để con có một không gian riêng để trải nghiệm những cảm xúc "tôi buồn", "tôi thất vọng", và "tôi buồn vì kết quả không như mong đợi" nhưng sau đó hãy lấy cảm xúc khó chịu đó làm động lực.
Có thể tự nhủ "Tôi không thích bị rơi vào những cảm xúc thế này nên tôi sẽ quyết tâm tìm ra những giải pháp tốt hơn trong tương lai. Chắc chắn như vậy".
Thời điểm này, học sinh và cha mẹ cũng hãy chú ý để nhận ra các bạn trẻ đang thử nghiệm những nỗ lực không lành mạnh để giảm "đau đớn" về tinh thần. Có những bạn trốn tránh mọi người, bỏ mặc tất cả; có bạn chìm vào game; có bạn dùng đồ ăn, sử dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện; có những bạn có thể tự làm đau cơ thể mình để cơn đau làm xao lãng đi những cảm xúc tiêu cực...
Thay vì thế, hãy chuyển nó sang thành những kỹ năng ứng phó lành mạnh, ví dụ như nói chuyện với bố mẹ, đi dạo, chơi với thú cưng. Để nhắc nhở bản thân các em có thể tạo ra những khẩu hiệu quyết tâm và những điều nên làm để nhắc nhở bản thân áp dụng khi cảm thấy tồi tệ. Câu thần chú ở đây là "hãy tử tế với chính mình".
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) mong các em luôn tâm niệm câu thần chú "hãy tử tế với chính mình".
Các vĩ nhân cũng từng thất bại
Chúng ta cũng cần tránh chủ nghĩa hoàn hảo và những niềm tin phi lý về thành công. Thất bại tại thời điểm này không có nghĩa bạn là kẻ vô dụng hoặc sẽ chẳng bao giờ thành công trong tương lai. "Sẽ không ai tôn trọng tôi nếu tôi thất bại" cũng là một niềm tin sai lầm phổ biến.
Thay vì thế hãy xem thất bại là một dấu hiệu cho thấy rằng "tôi đang thử thách bản thân mình tìm ra giải pháp xử lý thất bại". Và "tôi có thể có nhiều thứ học hỏi từ thất bại của mình".
Đôi lúc, chúng ta đổ hoàn toàn trách nhiệm của thất bại cho bản thân mình cũng là không phù hợp. Thất bại không chỉ có lỗi của bạn, nó còn có thể bao gồm bạn chưa nhận được đủ sự hỗ trợ phù hợp từ những người xung quanh.
Thời điểm này, hãy tìm cho mình một tấm gương. Hãy tìm đọc những thất bại của người nổi tiếng để thấy rằng vĩ nhân cũng gặp nhiều thất bại, thậm chí thường xuyên thất bại. Thomas Edison để phát minh ra bóng đèn đã trải qua hơn 10.000 lần thực nghiệm thất bại. Hãy nhớ, 10.000 lần thất bại.
Hãy đọc và tìm hiểu xem họ đã làm gì để hồi phục sau mỗi thất bại. Ví dụ như với Thomas Edison, cứ mỗi lần thất bại ông lại tự nhủ với mình "A, vậy là ta đã tìm ra được thêm một cách thức mà bóng đèn không sáng".
Và sau khi bạn đã bắt đầu chấp nhận sự thật thất bại và đương đầu với cảm xúc. Đây là lúc các em cần tạo một kế hoạch để tiến về phía trước. Có nhiều con đường để tới Rome nên chúng ta hãy sẵn sàng thảo luận với cha mẹ về những con đường, kế hoạch để tiến về phía trước. Đừng có mắc kẹt trong suy nghĩ "tôi là kẻ thất bại", mà hãy tập trung vào suy nghĩ "tôi sẽ thử lại một lần nữa" và "điều tôi sẽ làm tiếp theo là"…
Cha mẹ hãy nói để con hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc sống. Thất bại không phải là một đặc điểm hay một thuộc tính nhân cách của con. Chúng ta cần xem thất bại như một vấn đề có thể được giải quyết. Và thường thì những người thành công nhất luôn có những vấn đề khó giải quyết như thế. Nhưng họ thành công vì cuối cùng họ đã kiên trì tìm ra được giải pháp.
Giống như trong một trận đấm bốc, chúng ta chưa thua khi bị đấm ngã. Chúng ta sẽ chỉ thua khi từ chối tiếp tục đứng dậy chiến đấu tiếp. Vì thế, hãy nhớ, chúng ta sẽ luôn làm mọi thứ tốt hơn trong tương lai!
(Theo Dân trí)