Từ thiếu đói vươn lên đời sống ấm no
Trong bối cảnh chung sau Cách mạng Tháng Tám, Yên Bái thời điểm ấy nạn đói tiếp diễn, nhất là đối với các xã dọc sông Hồng, các tệ nạn xã hội trầm trọng, nhất là vùng sâu, vùng xa, an ninh trật tự có nhiều sự uy hiếp từ bên ngoài lẫn bên trong...
Nhằm giữ vững chính quyền cách mạng bảo vệ nền độc lập nước nhà, Đảng, Nhà nước ta mà đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã kịp thời đề ra cho toàn dân 3 nhiệm vụ cấp bách, trước mắt là "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Bằng những nhiệm vụ giải pháp cụ thể ở từng thời điểm lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái đã một lòng đoàn kết, hoạch định những chính sách phù hợp, tương trợ giúp đỡ nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, mức sống của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc..., đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được gần 20.000 tỷ đồng từ các chương trình, nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách giảm nghèo bền vững như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trạm y tế, chăn nuôi, hỗ trợ làm nhà ở… Kết quả, sau 5 năm, tỉnh Yên Bái giảm được trên 25% hộ nghèo.
Vừa giảm nghèo bền vững, Yên Bái đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng chuyên sâu, tỉnh đã có những sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước như các sản phẩm về quế, gỗ ghép thanh...
Mục tiêu cụ thể của Yên Bái trong giai đoạn 2021 - 2025 là giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 23 triệu USD; trong đó nhóm nông - lâm sản chính như chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 triệu USD, quế đạt 1 triệu USD.
Từ sự đổi thay của một địa phương vùng cao tuy còn khó khăn như Yên Bái có thể thấy, sau 77 năm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, cái ăn, cái mặc của người dân đã không còn là nỗi lo lớn của dân tộc, mà trở thành niềm tự hào cho một đất nước từ bùn lầy, nô lệ đứng lên.
Ai cũng được học hành
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập nhưng vẫn rất khó khăn. Vây quanh là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong đó, Bác Hồ xếp "giặc dốt” trên 90% người dân không biết chữ lên trên cả giặc ngoại xâm. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, người dân cùng nhau đi học, xóa giặc dốt bằng bình dân học vụ. Cả nước thắp đèn đi học.
Cùng cả nước, Yên Bái ra sức đầu tư cho giáo dục. Thành tựu nổi bật là năm 1997, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ (vượt kế hoạch 3 năm); đến năm 2007, toàn tỉnh hoàn thành phổ cập THCS; năm 2011, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đến năm 2016, thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 - đây là bước ngoặt lớn của giáo dục Yên Bái, là tiền đề giảm khoảng cách giáo dục giữa vùng thấp và vùng cao, thực hiện công bằng giáo dục.
Với những giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục của Yên Bái đã có những bước tiến vượt bậc. Hàng năm đều có học sinh đạt thủ khoa các trường đại học lớn trong nước, chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao khi tỉnh Yên Bái đã có những học sinh đạt giải Olympic quốc tế.
Năm học 2021 - 2022, Yên Bái có 29 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, xếp thứ 6 trong 15 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 26/93 tỉnh, thành (tăng 8 bậc so với năm học trước).
Đến nay, toàn tỉnh có 65,1% trường đạt chuẩn quốc gia; 168 trường xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được chăm lo xây dựng cả về số lượng và chất lượng.
Với trên 13 nghìn cán bộ giáo viên, nhân viên có trình độ đạt chuẩn trở lên. Không chỉ dừng lại ở mức "ai cũng được học hành”, hiện nay, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ bằng việc điều chỉnh quy mô các trường cao đẳng, chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, mà cụ thể là thành lập Trường Cao đẳng Yên Bái đa ngành, phát triển Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái chất lượng quốc tế. Tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh liên kết với các trường đại học để đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực địa phương…
Như vậy, có thể nói, mong muốn "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác Hồ đã thành hiện thực, và giờ đây, được tiếp tục nâng lên ở một tầm cao mới.
Thanh Ba