Thầy trò Yên Bái vững tâm thế bước vào năm học mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2022 | 7:52:11 AM

YênBái - “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” là khẩu hiệu năm học 2022 - 2023 của toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái, cùng với 10 nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao vừa là tiền đề, vừa là động lực để thầy và trò trong tỉnh vững tâm thế bước vào năm học mới.

Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải trở lại trường học chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải trở lại trường học chuẩn bị cho ngày khai giảng.

Mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập

Cùng với cả nước, thời gian vừa qua, toàn ngành GD&ĐT Yên Bái đã tập trung các nguồn lực để chuẩn bị cho năm học mới. Năm học này, toàn tỉnh có 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô 6.978 nhóm, lớp, 227.543 trẻ mầm non và học sinh phổ thông; so với năm học trước tăng 230 lớp, tăng 1.462 học sinh. 

Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp 1 đạt 99,9%, so với kế hoạch đạt 98,5%; học sinh vào lớp 6 đạt 98,9% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học trước, đạt 101,0% kế hoạch giao; học sinh vào lớp 10 đạt 52,3% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học trước, đạt 106,6% kế hoạch giao. 

Chuẩn bị cho năm học mới, các đơn vị trường học đã khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất; rà soát sắp xếp đủ phòng học; các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp diễn ra sôi nổi; các cơ sở giáo dục tiến hành vệ sinh khuôn viên, phòng học, trang trí văn phòng, lớp học tạo môi trường sư phạm khang trang, thân thiện, sạch đẹp. 


Sở GD&ĐT đã tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản để hoàn thành phục vụ năm học mới. Về cơ bản, các đơn vị trường học đã bố trí đủ phòng học để triển khai giảng dạy đúng kế hoạch thời gian năm học. Toàn tỉnh hiện có 6.809 phòng, trong đó có 86,5% phòng học kiên cố, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm học trước; phòng học bán kiên cố 10,8%, phòng tạm còn 2,7%. 

Số phòng học còn thiếu là 243 phòng, chủ yếu do một số công trình chưa kịp tiến độ để đưa vào sử dụng trong đầu năm học. Các đơn vị trường học đã chủ động bố trí cho học nhờ ở địa điểm khác của địa phương hoặc bố trí nhờ cơ sở của cấp học khác. 

Ngành cũng đã chỉ đạo các trường phổ thông sử dụng khai thác tối đa công năng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; khuyến khích giáo viên sử dụng và tự làm đồ dùng dạy học; phát huy tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học, đa dạng các hình thức tổ chức sẵn sàng ứng phó với diễn biến, tác động của dịch Covid-19 nếu có. 
 
Quyết tâm vượt khó, thực hiện thành công đổi mới giáo dục

Năm học này, toàn tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và bắt đầu triển khai đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. 

Các nhà trường đã ưu tiên bố trí giáo viên các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo cơ bản theo định mức, đạt chuẩn về trình độ, năng lực. Cùng với đó, bố trí phòng học đảm bảo đủ cho các lớp; ưu tiên bố trí phòng học cho 100% lớp 1, lớp 2, lớp 3 được học 2 buổi/ngày. 100% học sinh có đủ sách giáo khoa. 

Trước thực trạng các huyện, thị, thành phố đều thiếu giáo viên theo định mức và không có nguồn lao động để tuyển dụng, nhất là lao động chuyên ngành sư phạm Tin học và sư phạm Tiếng Anh. 

Phát huy điểm mạnh đó là sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có; sắp xếp đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng các trường học đảm bảo cân đối về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm và định mức lao động theo quy định, đồng thời đảm bảo quy định dạy đủ môn trong trường phổ thông..., trong thời gian chờ tuyển dụng bổ sung, các nhà trường thực hiện điều chỉnh quy mô lớp đảm bảo phù hợp, tiết kiệm. 

Cùng với đó, bồi dưỡng giáo viên nhóm 1, giáo viên dôi dư cơ cấu bộ môn ở tiểu học để giảng dạy môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS. Sở chỉ đạo Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái thực hiện cơ chế ký hợp đồng dưới 12 tháng đối với sinh viên sư phạm đủ điều kiện tuyển dụng... 

Đặc biệt, đáp ứng theo đúng lộ trình đổi mới giáo dục, ngành đã tham mưu các phương án tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, có phương án bố trí phòng học Tin học - Ngoại ngữ để đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đã "biệt phái” 15 giáo viên Tiếng Anh của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên và Yên Bình lên tăng cường tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. 

Ngoài ra, để chuẩn bị cho những năm tiếp theo, ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch cử tuyển đào tạo giáo viên Tin học và Tiếng Anh theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Giải pháp này giúp đảm bảo nguồn lao động để tuyển dụng cho các đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Đến nay 100% các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị tốt các điều kiện, đảm bảo cho triển khai năm học mới và tổ chức khai giảng đúng kế hoạch năm học. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và sự chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, ngành GD&ĐT Yên Bái bước vào năm học mới với một tâm thế mới - sẵn sàng, tự tin, có nhiều đột phá mới quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Thanh Ba

Tags thầy trò năm học mới chất lượng giáo dục giáo dục và đào tạo giáo dục phổ thông 2018 bồi dưỡng giáo viên phòng học

Các tin khác
Học sinh lớp 1 Hà Nội tựu trường năm học mới.

Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào ngày 5/9 theo hướng gọn nhẹ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023 đồng loạt diễn ra vào ngày mai- 5/9. Để hơn 227 ngàn học sinh của tỉnh bước vào ngày khai giảng, ngành giáo dục Yên Bái đã chuẩn bị mọi điều kiện từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiêm phòng Covid -19… Tất cả đã sẵn sàng cho một năm học mới nhiều niềm vui, an toàn và thành công.

Văn phòng Chính phủ vừa phát hành Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Tỷ lệ học sinh ra lớp, đến trường ở vùng cao đang ngày càng tăng.

Một trong những bước tiến quan trọng mang tính then chốt đối với công tác giáo dục dân tộc ở Yên Bái là việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú của tỉnh với Nghị quyết số 22 ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2015. Yên Bái là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc chuyển đổi các trường sang mô hình này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục