Trao đổi với báo chí, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT chia sẻ, ngay khi luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh gây xôn xao trên các diễn đàn, ông đã đọc luận án này.
Ông cho rằng, luận án không đủ hàm lượng của một nghiên cứu khoa học, chưa xứng tầm là một luận án tiến sĩ.
TS Vinh nhận định, luận án này ngay từ khi chọn đề tài đã không ổn, không phù hợp với lĩnh vực Giáo dục học (theo luận án nêu). Ở đề tài nghiên cứu sinh lựa chọn, tính phổ biến để áp dụng là không có.
Với việc 2 trong số 3 chuyên gia Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung trong luận án, 1 chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại, TS Vinh cho rằng luận án này "rất khó để sửa".
"Tôi từng làm luận án nên cũng biết, với luận án này sửa kiểu gì cũng khó, không có động lực để sửa, chỉ có thể làm lại từ đầu. Ngay từ đầu, đề tài được Hội đồng khoa học chọn đã là không chuẩn, hướng đề tài không chuẩn thì đến nay, nghiên cứu sinh có thể sửa theo hướng nào? Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đề tài này thực ra không sửa được", TS Vinh nói.
TS Vinh cũng nhấn mạnh, vụ việc luận án "tiến sĩ cầu lông" nói trên là bài học cho các nghiên cứu sinh, đội ngũ những người hướng dẫn cũng như hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ… trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu và đạo đức liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc nghiên cứu sinh, đội ngũ hướng dẫn không đủ năng lực và cơ sở đào tạo trong việc thẩm định phê duyệt đề tài. Đặc biệt, hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đã "dễ dãi".
"Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT cần xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo này, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đào tạo bậc tiến sĩ khóa mới và chấn chỉnh chất lượng đào tạo của cơ sở này cũng như rất nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ khác có những hạn chế, yếu kém, thiếu liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Tùy mức độ sai phạm của giảng viên hướng dẫn mà tước tư cách hướng dẫn của giảng viên hướng dẫn chính, cũng như tư cách đánh giá luận án tiến sĩ của các thành viên hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ", TS Vinh nêu quan điểm.
Ông nhấn mạnh, cần có các biện pháp cứng rắn như trên mới có thể răn đe những cơ sở đào tạo còn thiếu trách nhiệm, tránh để xã hội dị nghị về các "lò ấp" tiến sĩ. Bên cạnh đó, theo TS Vinh, các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần chủ động triển khai chi tiết hóa khung trình độ quốc gia Việt Nam ở trình độ tiến sĩ, làm căn cứ thực hiện cho nghiên cứu sinh, đội ngũ giảng viên hướng dẫn và hội đồng.
Trước đó, tháng 5/2022, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh gây tranh luận rất nhiều trên các diễn đàn. Nhiều nhà khoa học khẳng định, luận án này chưa phù hợp với chuẩn đầu ra của một luận án tiến sĩ, đề tài luận án chưa xứng tầm.
Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành đối với luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận.
Đến tối 6/10, Bộ GD&ĐT đã thông tin về kết quả đánh giá luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của Hội đồng thẩm định.
Hội đồng gồm 3 chuyên gia, kết quả có 2 trong số 3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án; 1 chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại.
Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT đã gửi về cơ sở đào tạo để xử lý theo đúng thẩm quyền.
(Theo Dân Trí)