Năm 2015, tỉnh Yên Bái hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi, tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 85,7%; trẻ em 5 tuổi huy động ra lớp đạt 98,6%. Đến nay, công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi được duy trì và từng bước nâng cao chất lượng tại 9/9 đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã. Toàn tỉnh có 179 trường mầm non tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 92,7%, riêng với trẻ em 5 tuổi đạt 98,2%.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. 100% trẻ học 2 buổi/ngày, được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Đội ngũ cơ bản đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của giáo dục mầm non.
Năm 2007, tỉnh Yên Bái được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở (THCS).
Tháng 3/2010, tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học (TH) đúng độ tuổi mức độ 1. Từ đó đến nay, công tác PCGD TH, PCGD THCS tiếp tục được củng cố và duy trì vững chắc. Để đảm bảo công tác PCGD đối với các huyện, xã đặc biệt khó khăn, Sở GD&ĐT đã tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo kịp thời, đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, mở các lớp XMC, duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục.
Với những nỗ lực đó đến năm 2022, tỉnh Yên Bái được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,97%. Ở bậc THCS, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS; 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%.
Có được những kết quả đó, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn và cho từng năm học. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đủ giáo viên theo quy định. Kịp thời điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, tăng đầu tư để hoàn thiện hệ thống trường lớp.
Đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Ngành triển khai nhiều giải pháp tích cực để nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Ngành tham mưu với tỉnh phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, ưu tiên cho các đề án nâng cao chất lượng giáo dục, công tác PCGD, xóa mù chữ để củng cố và nâng cao chất lượng công tác PCGD TH và PCGD THCS.
Năm học 2016 - 2017, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, đã sắp xếp tinh gọn về quy mô trường lớp, giảm các điểm lẻ, tập trung học sinh về điểm chính. Nhờ vậy, nâng cao và duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng.
Cùng với đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã có máy tính, kết nối Internet phục vụ công tác quản lý và từng bước mở rộng trong hoạt động dạy học. Từ năm 2011 đến nay, đã đầu tư xây dựng mới các hạng mục cơ sở vật chất, nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học. Đến nay toàn tỉnh có 293/444 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 66%.
Ngành GD&ĐT xác định tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng PCGDMN trẻ 5 tuổi, hướng tới thực hiện PCGD MN cho trẻ 4 tuổi ở những xã, phường, thị trấn đảm bảo các điều kiện; duy trì và giữ vững kết quả PCGD TH mức độ 3; phấn đấu tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 và duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 1, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thanh Ba