Nơi mái trường là “gia đình” hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2022 | 1:54:13 PM

YênBái - Bước qua nhiều khó khăn, bất lợi, Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Yên Bái) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đại trà mà còn là “gia đình” thân yêu, hạnh phúc với các thầy cô và lớp lớp học trò - một mái trường của sự “yêu thương, an toàn, tôn trọng”.

Các thầy cô giáo và học sinh trong hoạt động trải nghiệm “Lễ hội mùa xuân” do nhà trường tổ chức.
Các thầy cô giáo và học sinh trong hoạt động trải nghiệm “Lễ hội mùa xuân” do nhà trường tổ chức.

"Với em, trường học hạnh phúc không chỉ là khẩu hiệu nghe thấy mà mỗi ngày đến trường là hạnh phúc ở bên mình. Mỗi sáng đến trường, chúng em được thầy cô Ban Giám hiệu chào đón ngay từ cổng trường. Cảm giác mình được chào đón là điều đầu tiên khiến chúng em mỗi ngày đều muốn được đến trường” - em Trần Đồng Nguyệt Ánh - Lớp 9E chia sẻ những điều nhỏ nhất nảy nở hạnh phúc trong tâm hồn của những cô cậu học trò như mình. 

Cái gật đầu và nụ cười đồng thuận của cô bạn cùng lớp Hoàng Khánh Ly đủ để hiểu rằng hẳn đó là cảm nhận chân thật không phải của riêng Nguyệt Ánh. Hạnh phúc ở bên là điều có thật khi mỗi ngày đến trường các em "được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị”. 

Những năng lượng tích cực đã được khơi nguồn như thế cho mỗi học sinh để mỗi buổi học các em thêm hứng thú lĩnh hội kiến thức. "Với sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em chủ động tìm hiểu kiến thức trước khi đến lớp, được chủ động trình bày phần hiểu biết của mình trước lớp. Cách học này kích thích tinh thần chủ động, hứng thú nghiên cứu học tập trong em. Em cũng có thể học được nhiều điều từ phần trình bày của các bạn” - em Hoàng Khánh Ly sẻ chia niềm hứng khởi với phương pháp giảng dạy ở nhà trường. 


Giờ học Mỹ thuật ngoài trời của học sinh Lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du. 

"Lớp học đảo ngược” - học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp với sự hướng dẫn của giáo viên thông qua phiếu học tập hay qua video giao nhiệm vụ học tập, tạo tâm thế chủ động cho học sinh trong giờ học; giáo viên là người hướng dẫn, dẫn dắt cho học sinh. Đó chính là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, dạy kiến thức kỹ năng là cần thiết, dạy cách học là cơ bản, trong đó lấy tự học làm gốc đã được các thầy cô tích cực thực hiện, nhất là giáo viên trẻ” - cô giáo Phạm Mỹ Lan - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay. 

Các tiết học không bó hẹp chỉ trên bục giảng phòng học. Tiết học Mỹ thuật ngoài khoảng sân trường giữa không gian của lá hoa, cây cối thiên nhiên; những giờ Tiếng Anh, Công nghệ sinh động trong phòng học bộ môn; Công nghệ, Sinh học, Vật lý có nhiều giờ học thực tế; kiến thức lịch sử thêm dễ dàng qua những giờ học tại các di tích lịch sử, bảo tàng… Có những hoạt động học tập trải nghiệm được nhà trường tổ chức ở cả trong và ngoài tỉnh. 

Những kiến thức gắn với các môn Lịch sử, Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc đều có thể có được qua trải nghiệm qua hoạt động viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng mà nhà trường từng tổ chức… Hứng thú, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn và phát huy sự sáng tạo... là điều mà rất nhiều học sinh tìm thấy qua những hình thức học tập phong phú nhà trường mang lại. 

Cũng từ đó, nhiều năng lực của các em đều được ghi nhận, động viên, khích lệ. Đổi mới, sáng tạo hiện hữu rõ nét trong những hoạt động giáo dục của nhà trường khi chính các thầy cô được phát huy tối đa năng lực của bản thân. 

Phó Hiệu trưởng nhà trường - cô Phạm Mỹ Lan khẳng định: "Trong công tác giảng dạy, các thầy cô được trao quyền để sáng tạo và xây dựng các bài giảng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. 

Cô giáo Phạm Thị Quỳnh Liên cùng thầy cô Tổ Toán với sáng kiến sử dụng máy tính casio để ôn thi cho học sinh vào lớp 10; cô giáo Phạm Việt Nga thay thế chất liệu vẽ tranh bằng sỏi, bằng lá cây, bìa cứng trong môn Mỹ thuật... Đã có những sáng kiến rất thiết thực phục vụ cho việc học tập như vậy được ứng dụng trong nhà trường từ tinh thần đổi mới sáng tạo của thầy cô”.


Góc thư viện nhà trường.

Năng lực sẽ được phát huy trong một môi trường làm việc với bầu không khí phấn khởi, vui vẻ, hài lòng; mọi thành viên được quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau để cùng thay đổi và tiến bộ. Ấy cũng là điều đã gây dựng được ở mái trường Nguyễn Du. 

Cô Phạm Thị Quỳnh Liên - giáo viên nhà trường chia sẻ: "Mọi hoạt động liên quan đến dạy và học, đến công tác quản lý đều được bàn bạc cởi mở, lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại tích cực. Chúng tôi được thể hiện quan điểm, ý tưởng và thúc đẩy thói quen làm việc nhóm và hợp tác. Có thể nói cán bộ, giáo viên, nhân viên được tạo điều kiện tốt nhất để có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; không ai bị bỏ lại, không ai bị lãng quên. Tất cả đều thay đổi để phù hợp và tiến bộ. Hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động chuyên môn là điều mà chúng tôi luôn sẵn sàng để cùng nhau xây dựng ngôi trường hạnh phúc”. 

Dưới mái trường này, còn có những điều ngoài kiến thức giáo khoa, ngoài chương trình học tập thầy cô đã và đang mang lại cho học trò. 

"Em vẫn luôn chờ đợi mỗi giờ chào cờ đầu tuần, bởi đấy là mỗi buổi em được đón nhận thêm những kiến thức xã hội, kỹ năng sống hay những câu chuyện ý nghĩa từ các cô trong Ban Giám hiệu. Đến giờ, em vẫn nhớ câu chuyện về một người Việt rất giỏi công nghệ thông tin nhưng trong khoảng thời gian ở Mỹ đã đi "sai đường” để rồi trở thành tội phạm mà cô Hiệu trưởng chia sẻ trong một buổi chào cờ. Qua đấy, cô nói tới chuyện ngoài việc học tập trang bị kiến thức thì phải rèn luyện đạo đức để biết chọn con đường đúng đắn để đi, thành người có ích ” - cô học trò Trần Đồng Nguyệt Ánh vẫn nhớ lắm câu chuyện được nghe dưới cờ hôm nao từ cô Hiệu trưởng cùng những điều rút ra còn theo em nhiều năm tháng sau này.

Các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập rèn luyện của học sinh đã được áp dụng trong nhà trường để học sinh nhà trường phát triển toàn diện "đức, trí, thể, mỹ”. Những kết quả chất lượng giáo dục đại trà, thực hiện trường học hạnh phúc không chỉ thể hiện trong những con số đong đếm được mà còn rõ nét trong cảm nhận của thầy và trò dưới mái trường. Ấy là thành quả sự nỗ lực của cả tập thể nhà trường bứt phá đi lên từ ngôi trường vốn có quãng thời gian trước đây khó khăn nhiều hơn thuận lợi. 

"Bị tác động bởi yếu tố khách quan từ địa bàn dân cư, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình phức tạp, dẫn tới ý thức đạo đức của học sinh chưa cao; sự quan tâm, phối hợp từ nhiều gia đình còn nhạt nhòa… Thời điểm Nguyễn Du thực hiện nhiệm vụ thí điểm mô hình trường học mới VNEN có cả tình trạng học sinh chuyển trường khá đông…” - cô Hoàng Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ bao khó khăn mà nhà trường từng đối mặt. 

"Đến giờ, thầy cô hăng hái trong công việc, học sinh hứng thú khi đến trường là điều mình mong đợi nhất đã có được ở mái trường này” - đó là sự hài lòng của cô Hiệu trưởng mà tinh thần đổi mới sáng tạo luôn thường trực với những quan điểm nảy nở trên nền tảng của sự yêu thương và tôn trọng: "Mỗi người đều có tư duy, sự sáng tạo riêng. Vai trò, trách nhiệm của người quản lý là làm sao để cho các thầy cô giáo được chủ động phát huy sự sáng tạo của mình, có được những tư duy mới trong việc dạy và học”. 

Động viên, khuyến khích, chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn là những động từ được thực hành từ Ban Giám hiệu nhà trường với đội ngũ giáo viên, nhân viên; cũng là một trong những cách tạo động lực cho những đổi mới sáng tạo, hứng thú mỗi ngày đến trường cho thầy cô. "Yêu thương và tôn trọng” cũng là điều mà cô Hiệu trưởng ấy dành cho cả các lớp học trò. 

Với cô Hoàng Thị Loan chỉ dạy kiến thức thôi là không đủ với trẻ, trang bị cho trẻ cả kỹ năng và nhận biết các vấn đề xã hội là điều rất cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng cần được tôn trọng. Môi trường giáo dục tốt là phát hiện và phát huy được các năng lực đó ở mỗi đứa trẻ. Thế nên, cảm giác được hiểu, được có giá trị, được an toàn cũng là điều chị nỗ lực mang lại cho học trò dưới mái trường.

"Không chỉ là nơi cung cấp và đáp ứng các nhu cầu giáo dục mà là nơi tạo ra hạnh phúc” - mục tiêu như trong kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc của nhà trường ngày một hiện hữu rõ nét, để thầy cô và học trò cùng gọi nơi đây là "gia đình Nguyễn Du”.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 11 học sinh xuất sắc (1,47%), 157 học sinh đạt kết quả học tập tốt (21,04%), 302 học sinh đạt kết quả học tập khá (40,48%). Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 8 học sinh đạt thành tích xuất sắc (0,56%), 166 học sinh đạt kết quả học tập tốt (21,7%), 240 học sinh đạt kết quả học tập khá (chiếm 31,4%). Nhà trường được thành phố Yên Bái giao nhiệm vụ phối hợp giáo dục với Trung tâm Bảo trợ tỉnh. Hiện tại, có 39 học sinh của Trung tâm Bảo trợ tỉnh học tập tại nhà trường.

Thu Hạnh

Tags Thành phố Yên Bái trường học hạnh phúc học tập trải nghiệm VNEN

Các tin khác
IDP được tổ chức thi IELTS trở lại.

Bộ GD&ĐT ra quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd.

Cô Phạm Thị Hải Linh và học trò Nguyễn Đình Hoàng - cựu học sinh lớp 12 Hóa do cô Linh chủ nhiệm đã đoạt giải Nhất môn Hóa học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT và đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế năm 2019 tại Cộng hòa Pháp.

Yên Bái vinh dự có 5 cô giáo trong số 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu của toàn quốc được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Các giáo viên tại buổi gặp mặt.

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đang đề xuất với Chính phủ có thể tuyển dụng, hợp đồng với những giáo viên “dưới chuẩn” theo Luật Giáo dục 2015.

BTC trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; biểu trưng của Chương trình cho các thầy cô giáo.

Các nhà giáo tiêu biểu là những giáo viên có thành tích nổi bật; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy-học đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục