Chuyện của những người ở lại

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2022 | 7:42:09 AM

YênBái - Câu chuyện về những người ở lại không hiếm tại các địa phương vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái. Khi mà toàn tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Trong đó, đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên; rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao.

Cô giáo Hoàng Thị Thỏa - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (Mù Cang Chải) kèm học sinh đánh vần.
Cô giáo Hoàng Thị Thỏa - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (Mù Cang Chải) kèm học sinh đánh vần.

Chính sách luân chuyển giáo viên công tác vùng khó về công tác tại các vùng thuận lợi theo nguyện vọng của tỉnh Yên Bái rất nhân văn, đem lại niềm hạnh phúc cho biết bao thầy, cô giáo đã cống hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. 

Song, còn rất nhiều thầy, cô giáo dù đủ điều kiện được chuyển vùng theo nguyện vọng nhưng đã tình nguyện ở lại. Họ đã lựa chọn một lẽ sống phù hợp để cháy hết mình với yêu thương.

Con đường ngoằn nghèo ngược dốc "đặc sản” của vùng cao Yên Bái đưa chúng tôi đến với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Ngôi trường đơn sơ nằm trên núi cao, nhìn xuống là những tầng ruộng bậc thang và ngước lên là núi cao với rừng cây xanh thẳm. Khung cảnh ấy khiến ta cảm nhận rõ ràng nhất sức mạnh vượt khó, tính cách kiên cường của những con người nơi đây.

Cô giáo Hoàng Thị Thỏa dạy lớp 1 đang mải miết với công việc kèm cặp đứa nhỏ tập đánh vần những con chữ mà không biết rằng ánh nắng đầu đông vừa nhẹ nhàng, vừa bừng sáng xuyên qua khe cửa chạm lên mái tóc suôn mượt, tạo vầng hào quang vừa đủ như một chiếc vương miện trao tặng cho cô. Cô Thỏa đã 11 năm gắn bó với biết bao lứa học trò ở Lao Chải khó khăn này. 

Theo các điều kiện quy định thì cô được trong diện chuyển vùng theo nguyện vọng, nhưng cô nguyện ở lại. Trong căn phòng chừng hơn 10 mét vuông tại khu nhà công vụ của trường là nơi sinh hoạt của gia đình, cô Thỏa chia sẻ về những ngày đầu khó khăn: "Chỉ mong là sẽ có ngày được về. Nhưng rồi cứ gắn bó với học trò vùng cao, tôi càng thấy thương chúng và không muốn xa nơi đây. Học trò vùng cao thực sự rất thiệt thòi. Tôi sẽ không chuyển vùng”. 

Câu nói chắc nịch "không chuyển vùng” của cô Thỏa thật nể trọng. Người con gái nhỏ bé ấy cũng có đứa con ruột của mình nhưng phải gửi về xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) nhờ ông bà nội chăm sóc, để hàng ngày hàng giờ chăm sóc hàng trăm đứa trẻ khác mà cô cũng đã coi như con từ rất lâu. 

Đôi mắt long lanh xúc động, cô tâm sự: "Con nhà mình năm nay học lớp 5, cháu hơi yếu, lớn thêm chút nữa, khỏe hơn tôi sẽ đón cháu lên đây để tiện chăm sóc dạy dỗ. Ở với ông bà lâu nên khi bố mẹ về thăm thằng bé còn kêu bố mẹ là "ông ơi, bà ơi”, nghe vừa buồn cười, vừa thương”. 

"Rồi tôi sẽ đón cháu lên đây” - câu nói được cô Thỏa nhắc đi nhắc lại như khỏa lấp sự nhớ nhung của tình mẫu tử, như tự động viên bản thân tiếp tục cố gắng, rồi đến ngày đoàn tụ, thỏa lòng yêu thương bù đắp cho con. Câu chuyện dở dang, vài bé gái lấp ló ở cửa: "Cô ơi, cắt tóc cho con với”. Ra vậy! Cô còn là một thợ làm đẹp uy tín của học trò. 

Cười tươi rói gạt đi những giọt long lanh nơi khóe mắt, cô kể: "Bọn trẻ dễ thương lắm. Thấy cô dắt xe ra cổng, chạy theo hỏi cô đi đâu, bảo cô đi thi giáo viên dạy giỏi ở huyện thì bọn trẻ đồng loạt bảo: Cô thi tốt nhé! Ấm áp lắm”. 

Những đứa trẻ người dân tộc thiểu số đến trường vừa học ngôn ngữ phổ thông, vừa học những kiến thức mới mẻ nên giáo viên tiểu học ở vùng cao thực sự khó khăn. Trong quá trình công tác, đúc rút kinh nghiệm, cô có nhiều sáng kiến phục vụ cho công tác dạy và học, như biện pháp rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 2; kinh nghiệm giúp đỡ học sinh còn gặp khó khăn về kiến thức, kỹ năng trong giải toán có lời văn lớp 3; giải pháp giúp học sinh học tốt phần phân số môn toán lớp 4... Những sáng kiến của cô được đánh giá cao và được áp dụng trong toàn trường. Không những thế, cô còn nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, là cán bộ cốt cán chuyên môn. 

Câu chuyện về những người ở lại không hiếm tại các địa phương vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái. Khi mà toàn tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Trong đó, đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên; rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao; nhiều người đã xây dựng gia đình trên quê hương thứ hai ở đây. Các thầy cô đã hy sinh thời gian bên gia đình để ở lại trường không chỉ dạy chữ, mà còn dành tình yêu thương, chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, ân cần, trách nhiệm như cha mẹ chăm con. 

Sự hy sinh ấy của các thầy cô như cô giáo Trương Nữ Thu Hằng thì chỉ cần học trò trưởng thành là niềm hạnh phúc, sự bù đắp to lớn. Trong căn phòng tập thể tại Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, cô Hằng kể: đã có 26 năm công tác tại vùng khó khăn tại huyện Mù Cang Chải. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô đã xung phong tình nguyện lên dạy học tại đây. 

Những ngày xa gia đình, xa người thân, ở nơi đất khách, không biết tiếng dân tộc, có những ngày đến trường cô nhìn trò, trò nhìn cô, chỉ giao tiếp với vốn tiếng Việt ít ỏi trong bài học. "Trên lớp là vậy, về đến phòng gọi điện thoại cho con đang gửi nhà họ hàng thì con không nói lời nào. Nhiều hôm con lại bảo mẹ không yêu con nên không ở với con, khi lại gọi mẹ về với con đi. Rồi hôm được về thì con không theo, vì không nhận ra mẹ nữa” - cô Hằng xúc động về những ngày đầu khó khăn ấy. Cô tự an ủi rằng, không phải chỉ có mình vất vả mà bao đồng nghiệp của mình cũng đã và đang cố gắng vượt qua khó khăn…

26 năm công tác tại Nậm Có, cô giáo Trương Nữ Thu Hằng chứng kiến đủ cả những khó khăn tại nơi đây từ lớp học tạm, sân chơi tạm, nhà ở tạm, giáo viên phải băng rừng vượt suối vận động học sinh ra lớp... 


Cô giáo Trương Nữ Thu Hằng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) đón chào các em học sinh bước vào năm học mới 2022 - 2023. 

Thực hiện Đề án sáp nhập quy mô mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 - 2020, Trường Tiểu học Tà Ghênh - nơi cô công tác lúc ấy phải di chuyển đến 3 địa điểm để học tập, mỗi lần di chuyển là một lần khó khăn, thách thức với thầy và trò nhà trường. 

Cô Hằng đã tích cực, chủ động, quyết tâm hơn trong việc tham mưu với các cấp chính quyền, tuyên truyền đến phụ huynh, nhân dân trên địa bàn, kêu gọi các nhà thiện nguyện cùng chung tay giúp nhà trường sớm vượt qua khó khăn. 

Cô tâm sự: "Chúng tôi đi xin từ bao xi-măng, khối cát, những bộ bàn ghế, phòng học cho đến sách vở, giầy dép, quần áo cho học sinh. Ai cho gì cũng trân quý. Chúng tôi động viên, chia sẻ khó khăn cùng nhau, cố gắng, quyết tâm vượt khó vươn lên, xây dựng khuôn viên nhà trường ngày một khang trang hơn”. 

Ngoài việc xây dựng cơ sở để đảm bảo cho việc dạy - học, ngày ngày cô cùng giáo viên phải tuyên truyền, giải thích để phụ huynh hiểu và yên tâm gửi con ở tại trường khi phòng học, phòng ở, khu vui chơi thực sự chưa đảm bảo theo yêu cầu chung. Các thầy, cô phải tận tụy thay gia đình, chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt, động viên dỗ dành các em hàng ngày, trong khi con ruột của mình lại phải gửi gắm nơi người thân... 

Nhắc đến đây, cô Hằng bùi ngùi: "Thời điểm tôi muốn trở về Nghĩa Lộ nhất để gần gia đình tiện chăm sóc dạy dỗ các con là khi con đầu của tôi vào lớp 11. Tuổi dậy thì dở ương, ông, bà, các cô, các bác lại không thể mạnh tay với cháu. Tôi đã khóc rất nhiều, nghĩ sẽ bỏ công việc để về. Rồi 2 vợ chồng bàn tính, để anh ấy về Nghĩa Lộ vì anh làm ngoài nên dễ hơn. Còn tôi ở lại tiếp tục dạy chữ, trồng người”. Những hy sinh ấy của cô giáo Hằng không thể tính đếm. Cô bảo "Chỉ cần những đứa trẻ vùng cao trưởng thành là cô đã hạnh phúc lắm rồi”.

Chia tay các thầy, cô giáo vùng cao Mù Cang Chải, tôi mang theo về hình ảnh cô giáo Thỏa cần mẫn kèm cặp những trỏ nhỏ đọc chữ bên cửa sổ; hình ảnh giản dị chất phác của cô Hằng và nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ vùng cao... Tất cả như những thước phim kể về những câu chuyện cổ tích giữa đời thực.
Thanh Ba

Tags Yên Bái ruộng bậc thang giáo viên luân chuyển giáo viên tiếng Anh tin học

Các tin khác
Các gian trưng bày sản phẩm dự thi khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, có hiệu lực thi hành kể từ 27/5/2024, thay thế cho các Thông tư trước.

Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục