Dễ ghi nhớ bởi cách truyền đạt thú vị
Những video dạy tiếng Anh trên TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung thường cung cấp kiến thức hữu ích, độ khó vừa phải thông qua cách thể hiện "bắt trend", hài hước. Do đó, nền tảng trực tuyến đã trở thành phương tiện học tập mới của không ít học sinh (HS) lớp 12.
Thường xem những video dạy tiếng Anh trên TikTok, Phan Thị Mỵ Nương (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM), chia sẻ: "Với những video ngắn, lượng kiến thức chắc chắn không nhiều như trường lớp cung cấp. Tuy nhiên, nó đọng lại trong đầu lâu hơn, bởi kiến thức được chia nhỏ ra, giúp não tiếp thu nhanh và dễ dàng hơn. Mỗi video có cách truyền đạt khác nhau nhưng đều gần gũi, hóm hỉnh, không bị khô khan; lý thuyết được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh sinh động kèm theo các tình huống gợi nhớ".
Nhờ vậy, bản thân Nương đã vận dụng được kha khá kiến thức từ các video. Bằng chứng là một số kiến thức Nương chỉ mới xem qua đã lập tức xuất hiện trong đề thi hoặc tình huống giao tiếp hằng ngày.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Trúc (Trường THPT Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cũng nhận thấy các video dạy tiếng Anh trên mạng dễ ghi nhớ bởi cách truyền đạt thú vị, không máy móc và kiến thức ngắn gọn. Tuy nhiên, với Ngọc Trúc, sự ngắn gọn đôi khi dẫn đến hạn chế về lượng kiến thức, không thể so với nội dung đầy đủ trong sách vở.
Hiện tại, Trúc kết hợp học tại trường và học qua nền tảng trực tuyến như TikTok, song em vẫn ưu tiên việc học tại trường hơn vì tính chính thống, đảm bảo cả chất và lượng.
Những nhà sáng tạo nội dung nói gì ?
Thực tế chứng minh TikTok có thể đem lại giá trị học tập cho người dùng nếu được khai thác và sử dụng đúng cách. Vì vậy, một số nhà sáng tạo nội dung đã tập trung vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là truyền đạt kiến thức tiếng Anh dễ hiểu, sinh động.
Cách đây gần 2 năm, khi ngày càng nhiều bạn trẻ dùng TikTok, thầy Trần Đức Hoàng (giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục NQH, TP.HCM) nghĩ đến việc tận dụng mạng xã hội này để chia sẻ kiến thức về IELTS, TOEIC và tiếng Anh nói chung. Dần dần, thầy nhận ra việc học tiếng Anh qua những video ngắn trên mạng đã thay đổi rất nhiều cách tiếp cận ngoại ngữ.
"Đôi khi, một video ngắn như vậy có thể giải quyết được khúc mắc lớn của HS trong việc học tiếng Anh", thầy Hoàng cho hay.
Anh Phan Phúc Thiên Phước (MC truyền hình, nhà sáng tạo nội dung tại TP.HCM) cũng nhận thấy mặt tích cực của phương pháp học trực tuyến là HS tiếp cận tiếng Anh nghe - nói nhiều hơn, có thể kiểm chứng kiến thức ở trường bằng cách xem chúng được áp dụng ra sao trong đời sống hằng ngày.
Với series "Tiếng Anh không công thức" gần đây nhằm "đổi gió" cách học tiếng Anh, anh Phước chia sẻ: "Công thức thường được áp dụng vào bài tập hay kỳ thi, nhưng chúng vô tình phá hỏng tư duy hình thành ngôn ngữ nói - kỹ năng quan trọng hàng đầu khi học ngôn ngữ". Do đó, anh mong muốn những video của mình có thể cải thiện kỹ năng nói cho người học bên cạnh rèn luyện những kỹ năng phục vụ thi cử.
Học sinh cần biết chọn kênh uy tín
Biết đến những video cung cấp kiến thức tiếng Anh trên TikTok, Facebook…, cô Trần Hương Giang (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Ngô Quyền, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đánh giá lượng kiến thức đảm bảo tính chính xác nếu HS biết chọn kênh uy tín. Hơn nữa, người giảng dạy đa phần có kinh nghiệm và chuyên môn nhất định về tiếng Anh nên chất lượng giảng dạy gần như giống với thầy cô ở trường phổ thông.
"Tuy nhiên, sự khác nhau là về cách thức. Trên lớp, các thầy cô dạy một tiết hoàn chỉnh về mảng kiến thức nào đó, trong khi những kênh này thường tóm tắt kiến thức sao cho cô đọng trong độ dài cho phép của một video", cô Giang nói.
Phương pháp "vừa chơi, vừa học" qua các nền tảng trực tuyến đem lại những lợi ích không thể phủ nhận như tiết kiệm chi phí, thời gian học linh động, nội dung phong phú, có tính tương tác cao...
Cần kết hợp hai phương pháp
Học trực tiếp tại trường cung cấp chương trình học toàn diện cũng như đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhưng thường khô khan, khó ghi nhớ khi lượng kiến thức tương đối lớn. Trong khi đó, phương pháp "vừa học, vừa chơi" trên mạng xã hội khơi gợi được cảm hứng học tập, nhưng khó kiểm định chất lượng kiến thức vì ai cũng có thể chia sẻ; những video ngắn với nội dung ngẫu nhiên cũng khiến người học khó theo dõi quá trình học tập.
Từ đây, vấn đề đặt ra là làm thế nào để kết hợp linh hoạt, tận dụng được ưu điểm của cả hai phương pháp?
Theo các giáo viên, đối với hình thức trực tuyến, HS có thể tham khảo một số lưu ý sau: Xây dựng những tiêu chí nhất định trong việc chọn lựa kênh: thông tin người dạy, chất lượng nội dung, cách truyền đạt, đánh giá của những người xem khác...
Chú trọng chất lượng bằng việc chỉ theo dõi một vài thầy, cô đáng tin cậy; không dành thời gian xem quá nhiều video mà tập trung xem kỹ, đảm bảo kiến thức được ghi nhớ sâu.
Lưu lại video, chụp màn hình hoặc ghi chú để ôn tập thường xuyên, áp dụng vào thực tế. Sàng lọc và kiểm chứng thông tin qua nhiều nguồn khác nhau. Rà soát những kênh theo dõi để tránh sa đà vào các nội dung giải trí khác mà quên đi mục đích học tập.
"Tuy nhiên, bản chất TikTok hay các mạng xã hội khác vẫn chỉ là nền tảng giải trí. Nên để tiếp nhận kiến thức không bị hời hợt, các em cần phối hợp cả hai phương pháp, nhưng vẫn học qua sách vở là chính, còn các kênh trực tuyến chỉ là công cụ hỗ trợ", cô Giang đúc kết.
Nhìn chung, TikTok sau cùng vẫn không thể thay thế được những bài giảng dài và sâu tại trường.
"Thầy cô đứng lớp mới có thể nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của HS. Mạng xã hội chỉ nên xem là nơi cập nhật thêm một số kiến thức hay ho và mới lạ, tránh lạm dụng", thầy Trần Đức Hoàng bổ sung.
Từ đây càng thấy vai trò của giáo viên tại trường vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng học tập của HS, giúp các em khơi dậy tình yêu và cảm hứng với môn tiếng Anh.
Để giờ học trên lớp đạt hiệu quả, cô Trần Hương Giang đề xuất giáo viên nỗ lực tìm tòi phương pháp giảng dạy mới mẻ, sinh động, cụ thể như chèn video, hình ảnh bên cạnh lý thuyết để tăng tính trực quan; thiết kế trò chơi; tạo điều kiện cho việc thuyết trình, thảo luận nhóm. Ngoài ra, các bài giảng nên bao hàm nhiều kiến thức, kỹ năng để HS hình thành tư duy phản biện.
Cuối cùng, dù học bằng phương pháp nào, một điều tất yếu là HS phải nắm vững kiến thức cũng như hiểu rõ trình độ của mình đang ở đâu, bởi giáo viên và những kênh trực tuyến chỉ hỗ trợ thêm cho các em trong quá trình ôn thi.
Cẩn trọng để tránh hậu quả khó lường
Mang lại nhiều lợi ích là thế, song theo cô Trần Hương Giang, việc một số HS chỉ thích xem nhanh những video mà bỏ quên kiến thức từ sách vở, nhà trường gây ra nhiều hậu quả khó lường:
- HS không nắm vững kiến thức cơ bản nên không thể áp dụng vào bài tập.
- Các kênh đa phần hướng dẫn cách học nhanh nhất hoặc giải mẹo nên HS không hiểu rõ bản chất vấn đề.
- Sức hút của kênh dễ khiến HS chạy theo trào lưu trong khi không hiểu rõ năng lực ngoại ngữ của bản thân.
- Một số kênh chưa được kiểm duyệt về nội dung nên truyền đạt kiến thức sai lệch.
- Việc tập trung quá nhiều vào những video ngắn trên nền tảng trực tuyến sẽ khiến HS lơ là khi học ở trường.
(Theo TNO)