Năm học 2020 - 2021, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường: Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành,
Trường THCS Quang Trung, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thành phố Yên Bái). Sau đó, ngành GD&ĐT tỉnh đã nhân rộng mô hình tới 100% trường học trên địa bàn. Ngành đã quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản. Theo đó, ngành tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường.
Những buổi hội thảo, hội nghị, việc mời chuyên gia về nói chuyện, truyền đạt được tổ chức rộng khắp. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị.
Qua đó, các nhà trường không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, tiến bộ. Học sinh được quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện tối thiểu, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Thầy cô sử dụng hiệu quả các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh.
296 trường được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc"
Qua 3 năm thực hiện xây dựng "Trường học hạnh phúc" của Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dạy và học. Thầy cô tích cực đổi mới, sáng tạo. Năm học 2022-2023, toàn ngành có 2.190 sáng kiến cấp cơ sở, 23 sáng kiến cấp tỉnh. Đặc biệt, tinh thần yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ được coi trọng và nâng cao trong các mối quan hệ giữa thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và học sinh với học sinh. Hình ảnh con người Yên Bái được khắc họa trong hình ảnh đổi thay từ các thầy cô giáo của ngành GD&ĐT: trí tuệ, tâm huyết, tận tụy, sáng tạo và đổi mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 296 trường học được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc"(đạt 67%) , 80,7% trường học đạt tiêu chuẩn mô hình "Trường xanh”; có nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn như "Trường học du lịch”, "Trường học nông trại”, "Trường học gắn liền với di sản Văn hoá”, Trường học gắn bản sắc văn hóa địa phương hay mô hình "Phòng chờ hạnh phúc”, " Nhà vệ sinh công viên”, mô hình "Trường học không bạo lực học đường”; "Trường học không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo”; "Môi trường hàng đầu của dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”; "Trường học không khói thuốc”, "Cổng trường an toàn giao thông”... Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh theo từng năm học với 335 trường chiếm 75,8% số trường (so với đầu nhiệm kỳ tăng 50 trường).
Các hoạt động giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; trong 3 năm học vừa qua, học sinh trong toàn tỉnh đã đạt 100 giải học sinh giỏi quốc gia.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, các đơn vị trường học đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai, phương thức xây dựng trường học hạnh phúc. Đặc biệt, các chuyên gia giáo dục chia sẻ về cách tiếp cận, các phương cách xây dựng trường học hạnh phúc…
Cũng tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc xây dựng "Trường học hạnh phúc" giai đoạn 2021 - 2023.
Thanh Ba