"Trường học hạnh phúc" - mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/11/2021 | 7:40:23 AM

YênBái - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 chỉ số hạnh phúc tăng 15% so với năm 2020. Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên quan tâm chỉ đạo việc triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc”.

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trình diễn mô hình xe tự hành và xe vượt mê cung trong Ngày hội STEM của các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Yên Bái năm 2021.
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trình diễn mô hình xe tự hành và xe vượt mê cung trong Ngày hội STEM của các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Yên Bái năm 2021.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành các Chương trình hành động số 10/Ctr-TU ngày 30/10/2020 và Chương trình hành động số 18/CTr-TU ngày 18/12/2020 giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó, xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. 

Thực hiện phát động của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở GD&ĐT đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện Mô hình Trường học hạnh phúc giai đoạn 2021 - 2025 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Kế hoạch đề ra mục tiêu trong năm học 2021 - 2022, có trên 30% trường học hạnh phúc; đến năm 2025, có 100% trường học hạnh phúc; chỉ đạo triển khai thí điểm việc xây dựng "Trường học hạnh phúc” tại 4 trường trên địa bàn thành phố Yên Bái: Trường Mầm non thực hành, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Nguyễn Huệ. 

Ngoài ra, các địa phương cũng chỉ đạo thực hiện thí điểm xây dựng "Trường học hạnh phúc” tạo nên một phong trào rộng khắp. Việc triển khai xây dựng Mô hình "Trường học hạnh phúc” đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường; lấy tiêu chí "Trường học hạnh phúc” là nền tảng cho việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động giáo dục trong nhà trường. 

Phát huy vai trò chủ động của địa phương trong việc huy động các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, hiệu quả. Với sự tham mưu tích cực của Sở GD&ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 về Bộ tiêu chí tạm thời về "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 

Trong đó, để xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc”, các cơ sở giáo dục sẽ tập trung phát triển đáp ứng 20 tiêu chí chia thành 3 nhóm gồm: Môi trường nhà trường (8 tiêu chí); Tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục (6 tiêu chí); Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (6 tiêu chí). 

Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh chia sẻ: "Qua 1 năm triển khai thực hiện thí điểm, có thể thấy sự thay đổi rõ nét nhất ở các nhà trường đó là: cơ sở vật chất được quan tâm xây dựng, môi trường nhà trường xanh, sạch, đẹp, hiện đại, an toàn, thân thiện; các thầy giáo, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi từ phương pháp truyền thụ một chiều sang phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh, quan tâm đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; đổi mới các hình thức sinh hoạt tập thể như sinh hoạt dưới  cờ, hoạt động ngoại khóa… góp phần tạo nên các giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Chất lượng giáo dục trong các nhà trường có nhiều chuyển biến rõ nét, 4 trường triển khai thực hiện thí điểm đều là các trường đứng đầu về chất lượng giáo dục của mỗi cấp học trong toàn tỉnh”.

Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên quan tâm chỉ đạo việc triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản, được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới các địa phương. Đến nay, đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn. Đối với các nhà trường, thực hiện kế hoạch phát động phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc” của Sở GD&ĐT, 100% các nhà trường đã triển khai thực hiện, lựa chọn các tiêu chí phù hợp trong Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc” của tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.  

Phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc” đã góp phần hình thành một diện mạo mới trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trước hết là tại các trường chuẩn quốc gia: quy mô trường, lớp được tổ chức khoa học; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, theo hướng hiện đại; môi trường sư phạm được cải thiện, sạch đẹp, an toàn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp hợp lý; chất lượng dạy học được nâng cao… chất lượng, hiệu quả giáo dục vì vậy cũng được tăng cường. 

Các hoạt động giáo dục cơ bản chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. 

Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao theo hướng bền vững. Công tác phân luồng học sinh luôn được triển khai có hiệu quả. 

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh phấn đấu thí điểm xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” tại 136/452 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong đó, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Yên Bái sẽ thực hiện 100% trong năm học này. 

Tại thị xã Nghĩa Lộ có 9 đơn vị trường học; huyện Trấn Yên có 10 đơn vị trường học; huyện Yên Bình có 12 đơn vị; huyện Lục Yên có 11 đơn vị trường học (04 trường mầm non, 07 trường phổ thông); huyện Văn Yên có 14 đơn vị trường học; huyện Văn Chấn có 14 đơn vị trường học; huyện Mù Cang Chải có 8 đơn vị trường học; huyện Trạm Tấu có 6 đơn vị trường học. Việc xây dựng Mô hình "Trường học hạnh phúc” cần huy động sự tham gia của toàn xã hội nên Sở GD&ĐT đã phối hợp với Tỉnh Đoàn thanh niên triển khai tổ chức Hội thi "Tuyên truyền mô hình trường học hạnh phúc”. Hội thi diễn ra từ ngày 10/9/2021 đến hết tháng 11/2021.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo công bằng trong GD&ĐT, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đặt ra mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025. 

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngành GD&ĐT tỉnh xác định sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về "Trường học hạnh phúc”; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. 

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh. Chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. 

Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để sắp xếp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, năng lực. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Đặc biệt, tập trung xây dựng "Trường học hạnh phúc”, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục không có bạo lực học đường, học sinh được đối xử thân thiện, được phát triển tối đa năng lực, được tôn trọng; giáo viên được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến; các nhà trường tạo dựng chất lượng một cách thực chất, lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục. Cùng với đó là đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy học… 

Với những cách thức triển khai phong phú, hấp dẫn, ngành GD&ĐT Yên Bái đang dần hiện thực hóa và đưa khái niệm "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc” đến với người dân. 

Nguyễn Thị Kim Liên (Văn phòng Sở GD&ĐT)

Tags Trường học hạnh phúc Yên Bái giáo dục chỉ số hạnh phúc Chương trình hành động số 18

Các tin khác

"Tôi hỗ trợ dạy công nghệ giáo dục nhằm tăng cường trí lực cho trẻ", robot cao 80 cm nói bằng giọng nữ, vẫy tay với học sinh ngồi trong lớp.

Một giờ học của học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Pá Lau, Trạm Tấu.

Dù còn gặp nhiều khó khăn của một xã vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với việc đưa ra nhiều giải pháp hợp lý trong công tác dạy và học nên chất lượng giáo dục của Trường PTDTBT TH&THCS Pá Lau, huyện Trạm Tấu đã có những chuyển biến rõ nét.

Lần đầu tiên, hai trường đại học thuộc khối Ivy League là Đại học Brown và Đại học Princeton cùng hợp tác triển khai khóa học tiếng Việt đầu tiên trong học kỳ này theo hình thức học trực tuyến qua Zoom.

Ảnh minh hoạ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 4 tiêu chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục