Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/1/2025 | 2:40:55 PM

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ giữ được sự liêm chính trong hoạt động giáo dục của Nhà trường.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ giữ được sự liêm chính trong hoạt động giáo dục của Nhà trường.

Phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và Chương trình mới

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người dạy lẫn người học. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô, hay thậm chí vì để khi làm bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Việc học thêm quá nhiều khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Việc một bộ phận giáo viên "ép” học sinh do mình dạy chính khóa phải học thêm cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội.  

Xuất phát từ thực tế nêu trên và yêu cầu "Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư 29 trên tinh thần không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả. 

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với  học sinh. Bộ GD&ĐT cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả, thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của Chương trình mới, đó là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định có thể đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục. Ngoài giờ học theo chương trình, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia.  

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, điểm mới trong Thông tư lần này là Bộ GD&ĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.

Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường.

Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả. Bộ GD&ĐT hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. 

Dạy thêm ở trong trường công không được thu học phí

Một trong những điểm đáng chú ý với hoạt động dạy thêm trong nhà trường đó là vấn đề thu và quản lý tiền học thêm. 

Cụ thể, Điều 7, Thông tư 29/2024 quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tức là nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.  

Việc Bộ GD&ĐT hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Quy định này cũng góp phần quan trọng lấy lại hình ảnh cho người thầy trong trường học. Thầy cô dạy thêm là vì trách nhiệm và nghĩa vụ, vì sự quan tâm tới học sinh chứ không phải vì tiền. Đây được coi là một quy định mang tính nhân văn, trả lại hình ảnh đẹp đẽ của người thầy trong mắt học sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, Thông tư 29 cho phép dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng và chỉ được dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình. Quy định này sẽ tránh được sự ép buộc không đáng có của giáo viên với học sinh các lớp mà họ đang dạy. Học sinh đi học thêm là vì nhu cầu của học sinh, chứ không phải vì nhu cầu của giáo viên đang dạy lớp các em.

Bên cạnh đó, Thông tư 29 cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên  trong hoạt động dạy thêm. Những giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tốt vẫn sẽ thu hút được học sinh từ các trường khác, lớp khác. Sẽ không còn tình trạng giáo viên ép buộc học sinh chính khóa của mình đi học thêm. Đây là cơ hội để đội ngũ giáo viên phổ thông nâng cao nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy. 

Một điểm mới của Thông tư 29 là quy định các trung tâm dạy thêm buộc phải hoạt động theo luật doanh nghiệp, tuân thủ quy định báo cáo và đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật. Điều này chỉ rõ các trung tâm dạy thêm thực chất là một sự kinh doanh vì lợi nhuận và đã kinh doanh, phải đóng thuế như một doanh nghiệp. Đó chính là sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.  

Thông tư cũng quy định cơ sở dạy thêm phải công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Quy định này nhằm đảm bảo sự minh bạch của hoạt động dạy thêm; đảm bảo quyền lợi của người học và giúp người dân, xã hội dễ dàng tham gia giám sát. 

Một số chuyên gia khẳng định, những quy định mới này sẽ khiến một bộ phận giáo viên tâm tư vì họ bị thay đổi thói quen, giảm sút thu nhập, nhưng đây là điều nên làm. Việc này sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay tại lớp học, không cần thiết phải dạy thêm, học thêm. Nhà trường phải thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình. Học sinh đến trường phải được học chuẩn kiến thức và đáp ứng những yêu cầu cần đạt.

Trong trường hợp giáo viên có nhu cầu dạy thêm sẽ thực hiện như một hoạt động cung cấp dịch vụ bên ngoài. Điều này sẽ giữ được sự liêm chính của hoạt động giáo dục trong nhà trường.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Cô trò Trường Tiểu học và THCS Sông Hinh (Phú Yên) trong giờ học.

Các nhà trường đang nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình ôn tập, đầu tư nguồn lực cần thiết để hỗ trợ học sinh...

Hoa hậu văn hóa Du lịch Việt Nam 2024 Phạm Thị Ngọc Thanh trao quà cho các em học sinh có nhiều nỗ lực trong học tập

Sáng 13/1, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp “Cùng Gen Z tự tin làm chủ tương lai” với sự tham dự của Hoa hậu văn hóa Du lịch Việt Nam 2024 Phạm Thị Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc công ty cổ phần sách và truyền thông Sunflower cùng nhiều khách mời là những cựu học sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ đã thành công trong cuộc sống.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học Châu Á AChO 2025.

17 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học châu Á AChO năm 2025 đều giành chiến thắng với 5 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc và 8 huy chương Đồng.

Lãnh đạo Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ triển khai nhiệm vụ chuyên môn tới các cán bộ chủ chốt.

Tạo điều kiện phát triển toàn diện cả về tri thức và nhân cách cho học sinh, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ luôn đồng hành hai nhiệm vụ “dạy chữ” và dạy người” theo phương châm xây dựng nhà trường theo hướng “Truyền thống - Chuẩn hóa - Hiện đại - Chất lượng cao”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục