Cấm dạy thêm, một số địa phương chuyển sang mô hình học 2 buổi mỗi ngày

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/2/2025 | 4:10:13 PM

Các tỉnh như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ... đang thí điểm mô hình dạy học 2 buổi/ngày trước khi nhân rộng đại trà. Theo đó, học sinh sẽ học cả ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và nghỉ thứ Bảy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Triển khai mô hình học hai buổi mỗi ngày là cách đã và đang được nhiều địa phương thực hiện sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, trong đó có quy định cấm dạy thêm có thu tiền trong các nhà trường.

Thí điểm trước khi nhân rộng toàn tỉnh

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương này đang triển khai thí điểm mô hình học hai buổi/ngày, 5 ngày/tuần. Thời gian thí điểm từ ngày 3/2 đến hết ngày 28/2.

"Sau thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà ở tất cả các cấp học trên toàn tỉnh,” ông Cảnh cho hay.

Theo ông Cảnh, việc triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần phải đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không gây quá tải cho học sinh và giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế của các trường và địa phương.

Tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm dạy học theo mô hình này từ đầu tháng 1/2025 đối với học sinh cấp trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cũng đã có đề xuất với Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoá về việc được thực hiện học 2 buổi/ngày.

Trước đó, ngày 19/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã ban hành văn bản số 1918/SGD&ĐT-GDTrH về việc thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nghỉ học ngày thứ Bảy. Việc thí điểm được thực hiện đối với khối 6, 7, 8 cấp trung học cơ sở; khối 10, 11 cấp trung học phổ thông ở một số trường đại diện cho các vùng, miền từ học kỳ 2 năm học 2024-2025.

So với các địa phương, tỉnh Lai Châu triển khai mô hình dạy học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật đối với các cấp học khá sớm, ngay từ tháng 9/2024.

Ông Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng thực tế triển khai ở Lai Châu cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác như Ninh Bình áp dụng.

Nhiều thuận lợi, phù hợp nguyện vọng phụ huynh

Ông Cảnh cho hay việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện trên cơ sở chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày theo Thông tư 36 (ngày 27/9/1999) của Bộ Giáo dục và Đào tạo và mô hình dạy học 2 buổi/ngày theo công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học được ban hành năm 2010, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, học sinh sẽ học ở trường cả ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.

Bên cạnh đó, hiện các trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất tốt, đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường được chủ động trong kế hoạch dạy học. Do vậy, việc tổ chức học 2 buổi/ngày có nhiều thuận lợi và giúp việc học giảm áp lực về thời gian cũng như lượng kiến thức trong một buổi học.

Cụ thể, việc học 6 buổi sáng/tuần khiến học sinh phải học cả thứ Bảy, giờ vào học sớm và phải học đến tiết 5 nên kết thúc muộn. Học liên tục 5 tiết trong một buổi sáng khiến lượng kiến thức khá nhiều và học sinh sẽ mệt mỏi hơn.

Trong khi đó, việc triển khai mô hình 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần giúp nhà trường có thể kéo dãn kế hoạch dạy học, học sinh có thể vào học muộn hơn, từ khoảng 7h30 thay vì 7h như hiện nay, giảm tiết 5. Việc học mô hình 2 buổi cũng giúp các nhà trường có thêm thời gian để sáng tạo, tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn cho học sinh.

"Qua thăm dò cho thấy phụ huynh rất ủng hộ triển khai mô hình này. Học sinh được nghỉ học thứ Bảy vừa đồng bộ với cấp mầm non và tiểu học, vừa giúp học sinh có thêm thời gian cuối tuần bên người thân, giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc bố trí các hoạt động để gắn kết gia đình,” ông Cảnh cho hay.

Cùng chia sẻ này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết chủ trương dạy học 5 ngày/tuần nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, học sinh, phụ huynh trên địa bàn. Mô hình này vừa giúp giảm áp lực, vừa giúp học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí cũng như tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội. Các giáo viên cũng có thêm thời gian cho gia đình hay tham gia các hoạt động, khóa học để nâng cao nghiệp vụ.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học & THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT đã đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho học sinh cuối cấp tại Yên Bái. Những lớp học ôn miễn phí do giáo viên tổ chức không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề của các thầy cô.

Thí sinh thi lớp 10 ở Hà Nội năm 2024.

35 địa phương đã công bố môn thứ ba thi lớp 10, chủ yếu là Tiếng Anh, bên cạnh Toán và Ngữ văn, duy nhất Hà Giang chọn Lịch sử và Địa lý.

Phòng thí nghiệm của Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Văn phòng Quân ủy Trung ương có văn bản số 3202-TB/VPQU thông báo ý kiến của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc giao nhiệm vụ đào tạo dân sự cho các cơ sở giáo dục trong Quân đội; Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-BQP về nội dung này.

Học sinh trường Tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội, tựu trường.

Là mẹ đơn thân, công việc luôn phải chạy đi chạy lại, chị Thúy tuần qua đau đầu tìm cách đón con lúc 16h30, vì cô giáo đóng lớp học sau giờ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục