Lao động giúp việc gia đình: Nghề chưa được chính danh
- Cập nhật: Thứ năm, 9/12/2010 | 1:51:24 PM
Lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) đã được coi là một nghề tại Việt Nam từ năm 1998, nhưng đến nay nghề này vẫn còn thiếu nhiều quy tắc điều chỉnh, bị xem nhẹ và chưa thực sự được chính danh.
Người LĐ hành nghề GVGĐ không được hưởng một số quyền lợi như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Thiếu chuyên nghiệp
Giúp việc gia đình cần được coi là một nghề và được hưởng những chế độ như những LĐ khác.
LĐGV được coi là nghề không ổn định, đa phần do phụ nữ đảm trách, làm các công việc như trông trẻ, trông nhà, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa... Những công việc này được coi là thiên chức của người phụ nữ nên việc đào tạo nghề cho LĐGV ít được quan tâm. Ngay cả các gia chủ cũng không quan tâm nhiều đến điều này, chỉ cần người chăm chỉ, thật thà, hợp tính là có thể làm được. Điều đó thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp của LĐGV tại Việt Nam.
Thạc sĩ Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) - cho biết: LĐGV phần lớn là những người chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Những kỹ năng cơ bản về công việc GVGĐ chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân và theo sự hướng dẫn của gia chủ. Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng chỉ đơn thuần giới thiệu những ai có nhu cầu đi làm GVGĐ mà không hề kiểm tra kỹ năng xem người đó có phù hợp hay không. Từ thực tế này, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 19,3% người LĐ biết sử dụng máy giặt; 6,7% người LĐ biết sử dụng lò vi sóng.
Bà Trần Thị Hồng - Viện Gia đình và Giới (Viện KHXH Việt Nam) - cũng cho rằng, LĐGV thiếu chuyên môn. Tỉ lệ LĐ biết sử dụng các thiết bị trong gia đình, có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao. Nguyên nhân là nhận thức về nghề giúp việc gia đình chưa được coi trọng, vì vậy, người giúp việc phải đối mặt với việc không được tôn trọng, nguy cơ trừ lương, bị mắng chửi.
Cần thêm quy định pháp lý
Hiện nay, tỉ lệ ký hợp đồng lao động giữa người GVGĐ và người sử dụng LĐ không nhiều, phần lớn là các thỏa thuận bằng miệng. Các quy định trong mối quan hệ LĐ của nghề GVGĐ còn khá lỏng lẻo: Vẫn chưa có quy định thời gian làm việc trong ngày, số ngày nghỉ phép... LĐ GVGĐ cũng thể hiện sự yếu kém trong kỷ luật LĐ khi hay nghỉ việc khi ở nhà có việc riêng.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 42,7% người LĐ muốn được về nhà khi ở nhà có việc. Để xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng LĐGV và người LĐ, bà Rie Vejs Kjeldgaard - GĐ Văn phòng ILO tại Hà Nội - cho rằng: Xã hội phải công nhận LĐ giúp việc là một nghề và cần được coi trọng.
Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng nghị định về quản lý LĐ GVGĐ. Đây là một bước tiến quan trọng để hợp pháp hoá, hệ thống lại luật pháp hỗ trợ, bảo vệ người GVGĐ, giúp họ được hưởng những chế độ, chính sách bảo hiểm như NLĐ khác. Thạc sĩ Hoa Hữu Vân cho rằng, khi có nghị định về quản lý LĐ GVGĐ, quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho người LĐ và chủ thuê LĐ sẽ được đảm bảo.
Ngoài ra, cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo, mở các khóa đào tạo nghề cho NLĐ, giúp họ có được những kỹ năng cơ bản để đáp ứng công việc tại các gia đình ở đô thị. Sau mỗi khóa học, NLĐ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
(Theo LĐO)
Các tin khác
YBĐT - Tạo bước đột phá trong công tác đào tạo nghề theo hướng chuyên biệt, có chiều sâu, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Yên Bái cần thực hiện trong thời gian tới.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 30/9/2010, cả nước có 56.929 lao động nước ngoài.
Đoàn thí sinh Việt Nam gồm 36 thí sinh tham gia thi 18 nghề, đoạt 7 HCV; 3 HCB, 4 HCĐ và 11 chứng chỉ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa giao Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn xếp lương đối với lao động tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) theo thẩm quyền.