Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu lao động
- Cập nhật: Thứ ba, 28/12/2010 | 8:54:24 AM
YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 21 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề, 2 trường trung cấp có hoạt động dạy nghề và 6 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề.
Cán bộ Sở Lao động, thương binh và Xã hội đến thăm lớp dạy nghề may tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu.
|
Bên cạnh đó, người lao động trong tỉnh còn học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn về nghề do các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng theo từng năm. Tuy nhiên, không phải lao động nào qua đào tạo cũng đều tìm được việc làm, hoặc tìm được việc làm cũng không đúng với chuyên ngành được đào tạo.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề của người lao động tại Yên Bái được phân chia thành 2 vùng rõ rệt. Lao động ở thành phố, thị xã, thị trấn muốn được tham gia các lớp đào tạo nghề về sửa chữa cơ khí, điện tử, tự động hóa, những ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao... Lao động tại các vùng nông thôn, vùng cao thì lại có nhu cầu tham gia các lớp đào tạo về chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, chăn nuôi, thú y, may thời trang.
Dựa trên nhu cầu của người lao động, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đã chủ động tham mưu với chính quyền các địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho từng vùng, từng địa phương gắn với nhu cầu lao động và người lao động cũng đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng lao động sau đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu cần tuyển, nhất là các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Do đó, nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng không tìm được việc làm.
Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh còn mỏng, quy mô, cơ cấu đào tạo nghề chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhận thức của một số ngành, địa phương về công tác đào tạo nghề chưa đầy đủ, thiếu các cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề và mở các lớp đào tạo nghề.
Trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn thiếu thốn, chưa được đầu tư bổ xung, nâng cấp kịp thời. Nhiều lao động đã tìm được việc làm tại các các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, gây mất niềm tin đối với đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề do còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và thiếu tính định hướng nghề nghiệp cho mình. Tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ đã tạo nên sức ép không nhỏ trong công tác đào tạo nghề của tỉnh. Nhiều bạn trẻ không muốn đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng có thêm chữ “nghề” đằng sau vì cho rằng sau khi ra trường sẽ chỉ làm công việc của một người công nhân mà không có cơ hội thăng tiến, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ”.
Trước yêu cầu của sự phát triển chung, để đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Yên Bái xác định cần tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và yêu cầu của thị trường lao động. Tỉnh sẽ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia vào công tác đào tạo nghề cho người lao động; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề thuộc các huyện, thị, thành phố để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề tại chỗ cho lao động địa phương, hỗ trợ dạy nghề cho lao động vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương về vai trò nhiệm vụ của công tác đào tạo nghề đối với việc phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương; xây dựng chiến lược đào tạo và sử dụng lao động hợp lý để có định hướng cụ thể trong công tác đào tạo nghề; tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên thay đổi nhận thức trong đào tạo nghề, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, thu hút lao động đã qua đào tạo vào làm việc để người dân thấy rõ được hiệu quả của việc đào tạo nghề.
Thực tế cho thấy, đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu lao động và khi người lao động sau đào tạo có việc làm ngay sẽ tạo ra động lực để thu hút các doanh nghiệp, các công ty tham gia vào công tác đào tạo nghề, góp phần tạo ra lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu phát triển chung của tỉnh.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên (yên Bái) được thành lập từ tháng 10/2005, vượt qua những khó khăn của ngày đầu thành lập: vừa xây dựng tổ chức bộ máy, vừa xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vừa thực hiện chức năng đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã mở được 12 lớp đào tạo nghề cho 360 học viên. Trong đó mở được 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và 4 lớp dạy nghề cho đối tượng là các hộ nghèo.
YBĐT - Để nuôi và giữ được cá qua đông, người nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như sau:
YBĐT - Bí xanh là loại cây lấy quả dễ trồng đã và đang được bà con nông dân ưa thích, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau: