Chống nóng cho gia súc, gia cầm trong mùa hè
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2011 | 3:06:51 PM
YBĐT - Về mùa hè thời tiết oi bức, có ngày nhiệt độ lên đến trên 350C, trong điều kiện chăn nuôi với mật độ cao, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi. Để hạn chế nhiệt độ cao, người chăn nuôi cần lưu ý:
Phải đảm bảo đủ nước sạch và mát cho gia cầm, nhất là trong những ngày nắng nóng kéo dài.
|
1-Chuồng trại: phải xa khu dân cư, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi, chiều dài chuồng theo hướng đông tây để tránh bức xạ mặt trời, đảm bảo nhiệt độ 22-250C, ẩm độ không quá 75%. Nền chuồng làm bằng bê tông, dốc 2-3%; mái nên làm đơn giản như tranh tre, nứa lá...Bên ngoài chuồng có rãnh thoát nước và hố xử lý chất thải.
2- Mật độ nuôi: trong mùa hè nên giảm mật độ nuôi, nhất là các gia súc, gia cầm nuôi nhốt (Lợn nái, lợn có chửa cần 3-4m2/con; lợn thịt 2m2/con; gà trống, gà đẻ nuôi nhốt từ 3-5 con/m2; gà con úm 50-60 con/m2, gà thịt 10-15 con/m2); nên có sào đậu cho gà. Tăng cường thêm số lượng máng ăn, máng uống trong mùa hè.
3- Chống nóng chuồng nuôi: nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc để làm giảm ẩm độ các khí CO2, NH3 ... trong chuồng nuôi. Không nên treo quạt trên trần nhà vì gió thổi từ mái chuồng xuống dưới gia súc thường là khí nóng, hiệu quả chống nóng thấp. Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt thông gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Làm hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.
4- Công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè: tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Nền chuồng phải sạch, khô ráo, cống rãnh phải sạch, không đọng phân, nước, hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, rận... trong mùa hè. Định kỳ phun thuốc sát trùng để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Thường xuyên phát hiện sớm các gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Đặc biệt với các bệnh đường ruột và tiêu hoá chủ động cho gia súc, gia cầm ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh.
5- Chế độ ăn, uống: những ngày nắng nóng, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin..., tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, (thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát ). Thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, cần giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh để tránh nuôi quá béo. Những ngày nắng nóng cho uống Bcomlex, chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1% (10-15g muối/1 lít nước) để tăng sức đề kháng cho gia cầm. Cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vaccin dịch tả, tụ huyết trùng để tăng khả năng miễn dịch. Riêng đối với gà giống hậu bị, giống nuôi công nghiệp trên lớp đệm lót: nên khống chế lượng nước uống của đàn gà (chỉ nên bằng 2 lần lượng thức ăn cho ăn trong ngày đó) để chống ẩm ướt nền nhà, đệm lót trong những ngày quá nóng.
6- Chế độ tắm, chải: đối với lợn nái, lợn thịt, lợn con trong mùa nóng nên định kỳ tắm chải để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da. Đối với lợn con theo mẹ cần giữ ấm, khô ráo, không để ẩm ướt nền chuồng.
7- Vệ sinh, sát trùng sau đợt nắng nóng kéo dài: sau những đợt nắng nóng kéo dài cần có kế hoạch tăng cường về vitamin và dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm để tránh hiện tượng chúng bị mệt mỏi, bệnh tật và giảm sản lượng sữa, trứng...
Cần tiến hành tổng vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, dụng cụ và thay thế lớp đệm lót dùng trong đợt nắng nóng. Sau mỗi đợt nắng nóng cần kịp thời tổng kết những kinh nghiệm chống nóng, bảo vệ đàn gia súc và có biện pháp cải tiến, khắc phục chống nóng tốt hơn.
KS.Nguyễn Thị Hán -(Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Bệnh thường xuất hiện ở những ao, hoặc bể nuôi ba ba có mật độ dày, ít được thay nước, đáy ao bẩn.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, người bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
YBĐT - Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thì việc đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho người nông dân là một nhu cầu cấp thiết.
YBĐT - Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi baba, ông Sôn cho biết: “Quan trọng là phải tìm được con giống tốt, xây dựng ao chuồng chắc chắn và luôn giữ cho nguồn nước thông thoáng, sạch sẽ”.