Những chuyển biến bước đầu

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/1/2012 | 3:14:56 PM

YBĐT - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt: Đề án 1956), tỉnh Yên Bái đã phát huy tối đa mọi nguồn lực, tập trung cho công tác đào tạo nghề cho nông dân và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Thực hành sửa chữa xe máy tại Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ.
Thực hành sửa chữa xe máy tại Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ.

Tính đến hết năm 2011, tổng số lao động được hỗ trợ dạy nghề theo Đề án là 11.324 người, trong đó, nghề nông nghiệp đào tạo 5.309 người, nghề phi nông nghiệp 6.220 người.

Ngay sau khi Quyết định 1956/QĐ/TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo ngành lao động phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện. Theo đó, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956. Đồng thời, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020.

Qua 2 năm thực hiện, đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định 1956 đến cán bộ chủ chốt trên địa bàn, các huyện, thị, thành phố đã tổ chức triển khai đến các đơn vị liên quan và 180 xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, ngành lao động đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020, đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 65 của UBND tỉnh về chỉ đạo điều tra, khảo sát dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT huyện Văn Yên được chọn để điều tra thí điểm. Theo phân tích và dự báo, kết quả điều tra, khảo sát được xác định là nhu cầu cấp thiết, trên thực tế, nhu cầu học nghề của LĐNT còn rất lớn, dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động của tỉnh sẽ có hàng trăm ngàn người.

Từ điều tra, khảo sát thực tế, Ban chỉ đạo của tỉnh đã lựa chọn xã Đại Phác, huyện Văn Yên tổ chức xây dựng 1 mô hình thí điểm học nghề nông nghiệp (chăn nuôi lợn) cho 30 lao động và 100% lao động đã có việc làm. Qua đó, Ban chỉ đạo của tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng thêm 9 mô hình dạy nghề nông nghiệp trên tất cả các huyện thị, thành phố, thu hút 255 người tham gia và đã có 118 người học xong, tỷ lệ có việc làm 96/118, chiếm 81,35%. Hiện nay, các mô hình này bước đầu cho thấy sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với đó, trong năm 2011, các hoạt động dạy nghề được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, đối tượng theo học nghề của tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, thuộc diện nghèo, thiếu việc làm... nhằm đào tạo dạy nghề, nâng cao tay nghề cho LĐNT với các ngành nghề, như: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng... kết thúc mỗi khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận học nghề theo quy định.

Ngoài ra, số LĐNT học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với thời gian đào tạo dưới 3 tháng, kết hợp dạy theo mô hình, phần lớn người học sau khi tốt nghiệp đã tự tổ chức được quá trình sản xuất, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương, từ đó làm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất của LĐNT.

Để triển khai đề án đạt kết quả tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đặc biệt quan tâm. Đến nay, Yên Bái đã sớm hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn và 9/9 huyện, thị, thành phố có trung tâm dạy nghề công lập được thành lập và 1 trường trung cấp nghề. Qua đó, đã đáp ứng nhu cầu học nghề, đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề,Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư,  Sở Tài chính hướng dẫn, tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Năm 2011, với số vốn Trung ương đầu tư 16.000 triệu đồng, địa phương đầu tư thiết bị dạy nghề 5.000 triệu đồng, đầu tư cho các trung tâm dạy nghề nâng cấp và mua sắm trang thiết bị.

Sau 2 năm triển khai Đề án 1956 với không ít khó khăn nhưng với sự lãnh, chỉ đạo tập trung của tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp... nên Đề án được triển khai đồng bộ và thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Theo đó, trong hai năm 2010 - 2011, đã dạy nghề cho 11.324 LĐNT, đạt 99,7% kế hoạch và được chia thành 3 nhóm: nhóm LĐNT thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác là 2.587, tỷ lệ có việc làm đạt 50%, nhóm LĐNT thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% hộ nghèo là 3.413 người, nhóm LĐNT khác 5.529 người, tỷ lệ có việc làm đạt 45%.

 Trần Minh

Các tin khác
Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Yên Bái

YBĐT - Ngày 11/1, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện Quyết định 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính Phủ đã tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2012.

Nhiều hội viên phụ nữ, sau học nghề đã có được việc làm ổn định.

YBĐT - 5 năm qua, trên 11.230 lượt lao động ở Yên Bá được tư vấn và giới thiệu việc làm, 3.250 lượt người được đào tạo nghề, trong đó, 70 % lao động sau đào tạo có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, góp phần để mỗi năm 17.000 lao động trong tỉnh có việc làm.

YBĐT - Trong 2 năm qua, Thành phố Yên Bái đã mở được trên 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1000 LĐNT, trong đó có 191 lao động thuộc diện thu hồi đất. Tuy nhiên, giái quyết việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý người lao động không muốn ly hương, trong khi cơ hội có việc làm tại chỗ cũng rất hiếm hoi.

YBĐT - Theo thống kê, năm 2011, thành phố Yên Bái trên 47.500 lao động có việc làm, số thất nghiệp là 1.805 người (chiếm 3,7%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,1%, qua đào tạo nghề đạt 27,9%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục