Lục Yên đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2012 | 10:03:53 AM
YBĐT - Một trong những tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới là lao động nông nghiệp chỉ còn dưới 45% dân số. Để làm được điều đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được huyện Lục Yên quan tâm và thực hiện thường xuyên gắn đào tạo nghề cho LĐNT với việc xây dựng nông thôn mới.
Lục Yên phấn đấu tăng tỷ lệ đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp cho LĐNT.
|
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được huyện Lục Yên xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT, giúp nông dân có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
2 năm qua, từ các nguồn đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Lục Yên đã đào tạo nghề cho trên 2.000 LĐNT. Trong đó, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã mở 31 lớp, thu hút 840 học viên tham gia. Các học viên được đào tạo các nghề trồng trọt chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, may mặc, mộc dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy và nghề xây dựng….
Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm 2011, trên 3.000 lao động đã được tạo việc làm mới, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt 36%, riêng lao động qua đào tạo nghề đạt 17%. Nhiều lao động sau học các nghề phi nông nghiệp đã chuyển nghề và có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu LĐNT từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang là tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với hầu hết các địa phương trong huyện. Do tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp so với yêu cầu, chất lượng, hiệu quả chưa cao, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp.
Việc thu hút lao động nông nghiệp tham gia chuyển đổi sang các nghành nghề phi nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế, người nông dân thiếu vốn để phát triển và mở rộng các ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng không tìm được việc làm do ngành nghề đào tạo chưa phù với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng dành cho phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các xã còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc chuyển đổi và phát triển các ngành nghề tại nông thôn.
Xác định việc chuyển dịch cơ cấu lao động là mục tiêu quan trọng để hoàn thành tiêu chí 12 trong việc xây dựng nông thôn mới, Lục Yên đã chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân gắn với các phương án phát triển sản xuất, từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động. Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 28%.
Đến năm 2020, tỷ lệ qua đào tạo đạt 63%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 40%. Huyện sẽ tổ chức dạy nghề cho khoảng 14.250 LĐNT, bình quân mỗi năm thực hiện đào tạo nghề cho trên 1.400 LĐNT. Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ giảm dần tỷ trọng lao động được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn.
Bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Lục Yên cho biết: “Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT, đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT vào một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng năm của xã. Điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị trên địa bàn để những ngành nghề đào tạo gắn liền với lợi ích của người lao động, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, để Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề khu vực Tây Bắc thì nhân lực đang là vấn đề bức thiết.
Từ ngày 5-3 đến 9-3, Bộ LĐTB-XH sẽ tổ chức một kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt cho những người từng đi xuất khẩu lao động (LĐ) tại Hàn Quốc về nước đúng hạn có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
YBĐT - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Sau hai năm thực hiện, đã có hàng vạn LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.
YBĐT - Những vụ rét trước đây, không năm nào huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không bị chết rét hàng trăm đến hàng nghìn con trâu bò. Điển hình như vụ đông xuân 2010-2011, cả huyện chết tới 1.213 con gia súc, trong đó có 502 con trâu, 293 con nghé, 179 con bò, 95 con bê, 36 con ngựa, 18 con dê.