Văn Chấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Cập nhật: Thứ tư, 16/5/2012 | 3:08:05 PM
YBĐT - Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang hướng trọng tâm vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Nhân dân xã Sơn A bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
|
Những năm gần đây, cơ cấu lao động của huyện Văn Chấn chuyển dịch theo hướng tích cực: lực lượng lao động ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 92,5% năm 2005 xuống còn 90,5% năm 2010; lao động ở khu vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ tăng từ 7,5% năm 2005 lên 9,5% năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đã đạt 9,7 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho 3.000 lao động; trong 5 năm đưa trên 1.000 người đi xuất khẩu lao động; giảm 4% hộ nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện còn 30,44%.
Qua điều tra cho thấy, năm 2010, huyện Văn Chấn có 110.853 lao động, trong đó có 102.445 lao động trong độ tuổi, chiếm trên 70% dân số toàn huyện. Hiện có 97.267 lao động trong các ngành kinh tế - xã hội như: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp; xây dựng; thương mại dịch vụ; quản lý Nhà nước, hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể và hiệp hội; làm thuê cho các hộ gia đình; hoạt động trong các tổ chức quốc tế, trong đó lao động trong ngành nông - lâm - thủy sản có số lao động cao nhất, chiếm 83.519 người. Huyện còn có trên 8.000 người trong độ tuổi lao động đang đi học không tham gia các hoạt động kinh tế.
Toàn huyện mới có trên 16.000 lao động được đào tạo chuyên ngành và đào tạo nghề với các trình độ như: đào tạo ngắn hạn, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học, trên đại học. Đáng quan tâm là số lao động chưa có việc làm đầy đủ chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc sử dụng thời gian lao động trong năm ở khu vực nông thôn còn thấp, mới đạt khoảng 75%; số lao động thiếu việc làm thường xuyên còn đáng kể.
Thực trạng này cho thấy, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động của huyện cần được đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, Văn Chấn đang tập trung phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, thu hút nhiều lao động đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý giỏi. Huyện phấn đấu tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn năm 2015 lên 80%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thị trấn, thị tứ chỉ còn dưới 1%.
Huyện tập trung thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, sử dụng có hiệu quả nguồn quĩ quốc gia về việc làm, đặc biệt là các dự án chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, làng nghề, chuyển giao công nghệ. Huyện thành lập Quỹ Hỗ trợ dạy nghề có sự đóng góp của các doanh nghiệp; hướng trọng tâm vào đào tạo nghề cho nông dân và lao động kỹ thuật. Văn Chấn tổ chức rà soát hệ thống các ngành nghề đào tạo tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu.
Đối với ngành khai thác mỏ, địa phương đào tạo 4 nhóm nghề chính gồm: khai thác mỏ lộ thiên; cơ khí mỏ, luyện kim, hóa chất; khoan và nổ mìn mỏ; vận hành các thiết bị mỏ. Đồng thời, huyện đi vào đào tạo nghề cho ngành xây dựng; thương mại - du lịch; kỹ thuật sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống; ngành thủy điện. Đối với các lĩnh vực, huyện đều có đào tạo dài hạn và ngắn hạn.
Để có nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm như: khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim; xây dựng và vận hành máy thủy điện; kỹ thuật nuôi, trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản (sản xuất giống, hàng hóa thương phẩm)… huyện đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nghề dài hạn, đáp ứng đội ngũ công nhân kỹ thuật của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015, Văn Chấn đào tạo 2.022 người và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.410 người cho các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông - lâm nghiệp.
Trong đào tạo nghề ngắn hạn, Văn Chấn tập trung vào những nghề phục vụ cho các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, qui trình kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch, các nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp… tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở khu vực nông thôn. Huyện gắn đào tạo nghề với nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, bảo đảm cung cấp lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Ngoài ra, Văn Chấn còn liên kết với các huyện, thị trong vùng để thu hút đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho sản xuất.
Huyện tập trung vào qui hoạch các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, phát triển làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp nhằm thu hút và tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Quan trọng hơn là Văn Chấn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo ở thị trường trong và ngoài huyện, bảo đảm tỷ lệ 70% trở lên có việc làm sau học nghề.
Huyện phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 45% trở lên; bình quân mỗi năm có 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, huyện xây dựng Trung tâm Dạy nghề đủ năng lực đào tạo nghề cho địa phương; liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp để đào tạo lao động có trình độ trung cấp trở lên. Văn Chấn dự kiến, tổng kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề và việc làm giai đoạn 2011 - 2015 là 44 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 dự ước khoảng 20 tỷ đồng, chưa kể đầu tư đào tạo dài hạn cho lao động trình độ cao.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Văn Chấn phấn đấu bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm theo hướng bền vững.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Hát Lừu là xã được chọn làm điểm để xây dựng mô hình nông thôn mới của huyện Trạm Tấu. Chính vì vậy, công tác chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lao động theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm chỉ còn 45% dân số đã được xã xác định là một trong những tiêu chí trọng tâm cần quyết liệt thực hiện.
Hôm 13/5, 11 trong số 40 lao động (LĐ) xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại LB Nga đã về đến Việt Nam. Số lao động còn lại quyết định tiếp tục ở lại làm việc và đã được ký hợp đồng lao động hợp pháp.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài ngước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2012 là 25.637 lao động.
4/10 người thất nghiệp là thanh niên, đó là con số thống kê mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa thống kê trên toàn thế giới, tương đương với 75 triệu thanh niên không có việc làm. Ở Việt Nam, thanh niên độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp chiếm 50,4% trong tổng số người thất nghiệp hiện nay.