Tiền đề cho phát triển chăn nuôi hàng hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 24/7/2012 | 10:10:48 AM
YBĐT - Trong chăn nuôi, chất lượng con giống luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, vì vậy, phương pháp truyền tinh nhân tạo được coi là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng con giống, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi hàng hóa tại địa phương.
Phương pháp truyền tinh nhân tạo là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng con giống.
|
Trước đây, việc chăn nuôi lợn nái sinh sản chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp phối giống trực tiếp nên chất lượng con giống không đảm bảo làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăn nuôi. Trước thực tế đó, từ năm 2008, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái đã tiến hành xây dựng các cơ sở truyền tinh nhân tạo lợn trong nông hộ.
Trung tâm đã lựa chọn những hộ đang nuôi lợn đực phối giống bằng phương pháp trực tiếp, hoặc những hộ đã áp dụng nuôi lợn đực giống khai thác tinh phối giống nhân tạo để xây dựng các điểm truyền tinh nhân tạo lợn. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ các điểm truyền tinh nhân tạo đảm bảo chất lượng, hỗ trợ vật tư ban đầu, hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác tinh lợn. Từ 3 cơ sở được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình điểm, đến nay Trung tâm đã xây dựng được 12 cơ sở truyền tinh nhân tạo lợn tại 6/9 địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh khẳng định: 100% các hộ xây dựng điểm truyền tinh nhân tạo, sau khi được đào tạo đều tổ chức tốt các công tác như: chăm sóc nuôi dưỡng lợn, khai thác tinh lợn và tổ chức phối giống. Năm 2011, các cơ sở truyền tinh nhân tạo lợn đã phối giống cho 12.490 lượt lợn nái (trung bình mỗi cơ sở phối giống trên 1.000 lượt lợn nái), đáp ứng trên 40% nhu cầu phối giống lợn nái tại vùng thấp.
Điển hình như cơ sở của ông Hà Thế Đông, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình phối giống cho 2.400 lượt lợn nái, cơ sở của ông Đoàn Minh Hoàn, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình phối giống cho 2.100 lượt lợn nái, cơ sở ông Phạm Hồng Công, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên phối giống cho 2.150 lượt lợn nái…
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Giống vật nuôi, các điểm mô hình có tỷ lệ phối thành công đạt từ 90% trở lên, chất lượng con giống được cải thiện rõ rệt. Đối với những ổ lợn phối giống bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, số con đẻ ra đều trên 10 con, trọng lượng trung bình 0,97 kg/con.
So sánh với kết quả khảo sát các chỉ tiêu này ở các ổ lợn được phối giống bằng phương pháp trực tiếp tại những vùng tương tự về điều kiện chăn nuôi cho thấy, số lượng con đẻ ra trung bình là 8,3 con, trọng lượng trung bình là 0,75 kg/con, thấp hơn so với mô hình 0,22kg/con. Như vậy, việc thực hiện phối giống bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo mang lại hiệu quả cao hơn.
Trên cơ sở thành công của các mô hình, Trung tâm phấn đấu mỗi năm sẽ tiến hành xây dựng từ 3-4 cơ sở truyền tinh nhân tạo lợn trong nông hộ, đặc biệt sẽ ưu tiên phát triển mạnh lên địa bàn vùng cao. Để đảm bảo các cơ sở truyền tinh nhân tạo phát triển bền vững và hiệu quả thì cần trang bị thêm một số vật tư, thiết bị như: kính hiển vi sinh học, bảo hộ lao động, môi trường pha loãng tinh lợn cho tất cả các cơ sở đang hoạt động và tổ chức cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở này.
Ông Tuấn cho biết thêm: Về lâu dài, khi có đủ điều kiện nuôi lợn đực giống, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh sẽ tiến hành cung cấp tinh lợn cho các điểm truyền tinh nhân tạo này với mức giá phù hợp để các hộ không phải nuôi lợn đực giống.
Trong chăn nuôi, chất lượng con giống luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, vì vậy, phương pháp truyền tinh nhân tạo được coi là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng con giống, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi hàng hóa tại địa phương.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Các ngành chức năng đánh giá, 100% học viên học nghề nông nghiệp, 30% nghề phi nông nghiệp biết áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm nay, Thái Lan cần rất nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng do đang giải quyết hậu quả của đợt lũ lụt lịch sử xảy ra hồi cuối năm 2011.
YBĐT - Để thực hiện thành công Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể với tinh thần quyết liệt, sát thực tế, trong đó đặc biệt quan tâm tuyên truyền, nâng cao ý thức học nghề cho LĐNT.
YBĐT - Hiện nay, một số tỉnh trong khu vực có xuất hiện bệnh trên cá rô phi do vi khuẩn Streptococcus sp, Acinetobacter sp và Aeromonas sp làm cá chết hàng loạt, trong đó có tỉnh Yên Bái.