Cần đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu
- Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2012 | 2:46:44 PM
YBĐT - Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm song cần thiết hơn là phải lựa chọn các nghề phù hợp, đồng thời bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Có như thế, mới mong công tác đào tạo nghề và chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt hiệu quả cao nhất.
Lớp học nghề may tại trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ.
|
Tích cực chuyển đổi ngành nghề cho LĐNT
Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân các xã vùng ven, vừa qua, thành phố Yên Bái đã ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kỹ thuật Hà Nội mở 1 lớp nghề dạy nấu ăn cho 90 học viên của 2 xã Phúc Lộc và Văn Tiến, 1 lớp công nghệ thông tin cho 52 học viên. Qua lớp học, các học viên đã nắm bắt được các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và sau khi kết thúc khóa học nhiều học viên đã tập hợp lại thành lập các tổ, nhóm nấu ăn phục vụ đám cưới, hội họp hoặc mở các cơ sở phục vụ ăn uống cho bà con địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Mặc dù, theo chỉ tiêu của tỉnh giao không có các nghề nấu ăn và công nghệ thông tin nhưng theo nhu cầu của nhân dân các xã, thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp học nghề theo nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, thành phố đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề và cơ sở cung ứng, giới thiệu việc làm gắn với định hướng cho lao động có nhu cầu học nghề”.
Việc chuyển đổi ngành nghề cho LĐNT đã được tỉnh Yên Bái xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã được Đảng bộ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo. Sau hai năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 11.324 LĐNT, số người học nghề có việc làm đạt tỷ lệ từ 45 - 50%.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã dạy nghề cho 1.571/6.140 LĐNT, đạt 24,5% kế hoạch tỉnh giao. Trong đó: nhóm nghề nông nghiệp gần 1.000 người, nhóm nghề phi nông nghiệp 454 người và nhóm nghề thủ công mỹ nghệ 120 người.
Ông Nguyễn Phúc Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Do đặc thù của huyện vùng cao có trên 90% dân số là đồng bào Mông, Trạm Tấu chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã để thu hút lao động địa phương vào làm việc. Cùng với đó là tâm lý tự ty, không muốn xa nhà, xa gia đình của người lao động đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của huyện. Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm là vấn đề đặt ra đối với Trạm Tấu, song cần thiết hơn là phải lựa chọn các nghề phù hợp với địa phương, đồng thời bám vào kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.
Để hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT cần lồng ghép công tác này với việc thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần nâng cao uy tín và chất lượng của các cơ sở dạy nghề để thu hút người học. Cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là cấp huyện cần được đầu tư để học viên có môi trường tốt để rèn nghề.
Bà Vương Thị Thoan - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Quan trọng nhất hiện nay là phải đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu. Lâu nay, chúng ta nặng về phong trào, hình thức mà quên rằng cần dạy cho người nông dân những thứ họ cần. Theo đó, phải xác định rõ lợi thế của từng vùng để có hướng giảng dạy phù hợp. Chúng ta không thể bê nguyên kiến thức ở nơi nhiều tiềm năng, điều kiện đất đai thuận lợi vào vùng khó khăn vì sẽ rất khó triển khai và không mang lại hiệu quả. Dạy nghề theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” cho nông dân là phương pháp hiệu quả nhất”.
Cần đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu
Tại hội nghị bàn biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề được UBND tỉnh Yên Bái tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Quy mô tuyển sinh dạy nghề ở trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề thấp; chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của thị trường lao động; các trường, các trung tâm dạy nghề thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề; việc tư vấn học nghề, việc làm trong các trường phổ thông chưa hiệu quả; kết quả khảo sát nắm bắt nhu cầu học ở một số địa phương chưa sát thực tiễn, do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu đào tạo nghề khó khăn, phải điều chỉnh nhiều...
Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề cần phải thực hiện tốt quy hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh, phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt cần tập trung đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu. Cụ thể, đầu tư trọng điểm cho Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trở thành một trong 40 trường chất lượng cao của cả nước, chuyển đổi Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ thành Trường Trung cấp nghề nội trú khu vực Tây Bắc với 3 nghề đạt chuẩn quốc gia là: kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi - thú y, công nghệ chế biến chè; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, thu hút sự tham gia của xã hội trong triển khai các hoạt động dạy nghề và thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo án, giáo trình và đội ngũ giáo viên tham gia vào công tác dạy nghề; tăng cường liên kết, hợp tác với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề ngoài tỉnh để đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề ngoài tỉnh tuyển sinh dạy nghề tại các địa phương.
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề năm 2012, các trường, các cơ sở dạy nghề cần làm tốt công tác tuyển sinh ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo chỉ tiêu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động của Đề án 1956, triển khai các mô hình thí điểm dạy nghề, tăng cường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, các trường, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường đầu tư thiết bị đồng bộ, tiêu chuẩn cho từng nghề, chú trọng đầu tư thiết bị dạy nghề đảm bảo đầy đủ, hiện đại cho các nghề trọng điểm, đạt tiêu chuẩn đào tạo các nghề cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Quan trọng hơn, hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm và phù hợp với nhu cầu của LĐNT.
Hà Anh
Các tin khác
Ngày 10-8, tại Hải Dương, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã bắt đầu từ năm 1993.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trong đó đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
YBĐT - Ngày 4/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị bàn biện pháp nâng cao chất lượng và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề năm 2012. Đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 chủ trì hội nghị.
YBĐT - Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm là vấn đề đặt ra đối với Trạm Tấu, song cần thiết hơn là phải lựa chọn các nghề phù hợp với địa phương, đồng thời bám vào kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.