"Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Kỳ tích thời đại: Chiến tích anh hùng từ Đoàn 759

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2021 | 9:59:27 AM

Đoàn 759 là dấu mốc quan trọng đầu tiên của lực lượng vận tải trên biển, đồng thời là dấu mốc mở con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bến K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu huyền thoại Không số, khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển
Bến K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu huyền thoại Không số, khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển

Đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào giai đoạn mới và ngày càng trở lên gay go, quyết liệt... Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định, cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện.

Quyết định chiến lược

Chấp hành sự chỉ đạo của Thường trực Quân ủy Trung ương, quý I/1961, Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thành đề án xây dựng và tổ chức con đường vận chuyển chiến lược trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam, được Thường trực Quân ủy Trung ương phê duyệt. Bộ Tổng Tham mưu đã đề nghị thành lập đơn vị vận tải mang mật danh là Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân), đề nghị phát hiện, tuyển chọn những người ở Nam Bộ và Liên khu 5 có kinh nghiệm đi biển đang công tác tại các cơ quan... đưa về xây dựng đoàn. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời "đường Hồ Chí Minh trên biển".

Trong khi chuẩn bị để tổ chức xây dựng lực lượng vận chuyển đường biển theo đề án của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị chỉ thị Trung ương cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa để thăm dò, nắm tình hình và nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển vừa nhận vũ khí về kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.

Từ ngày 7 đến 28-8-1961, lần lượt 4 đội thuyền với 28 cán bộ, chiến sĩ của các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre; trong đó, Bến Tre có 2 đội, đã vượt biển thành công ra đến miền Bắc; đến tháng 5-1962, đội thuyền của tỉnh Bà Rịa có 6 người, cũng có mặt ở hậu phương miền Bắc để nhận vũ khí. Đó chính là một trong những lực lượng, phương tiện ban đầu về xây dựng Đoàn 759.

Theo nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân Trần Thanh Huyền, sự ra đời của Đoàn 759 là dấu mốc quan trọng đầu tiên của lực lượng vận tải trên biển, đồng thời là dấu mốc mở con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.



Một trong những chiếc tàu của đoàn tàu Không số trên đường vào Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Những người dệt nên huyền thoại

Lực lượng đầu tiên về xây dựng Đoàn 759 là các đội thuyền của 3 tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và một số cán bộ, chiến sĩ của khu 5 tập kết ra Bắc.

Chuyến đi trinh sát của đội thuyền do đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách vào miền Nam đầu tháng 4-1962 và trở lại miền Bắc tháng 8-1962 thành công đã mang lại niềm tin thắng lợi ban đầu cho đơn vị. Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên số hiệu 41 mang tên "Phương Đông 1" rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) chở gần 30 tấn vũ khí đã vượt qua sự kiểm soát của địch, cập bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau an toàn vào sáng 19-10-1962. Thành công của "Phương Đông 1" đã chính thức dệt nên con đường trên biển, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với nơi xa nhất, khó khăn, gian khổ nhất của chiến trường miền Nam là Nam Bộ.

Tiếp sau đó, từ ngày 19-10 đến 14-12-1962, lần lượt 3 tàu vỏ gỗ số 54, 42, 55 mang tên "Phương Đông 2", "Phương Đông 3" và "Phương Đông 4" rời bến Đồ Sơn, chở vũ khí vượt qua các khu vực kiểm soát của địch vào cập bến Vàm Lũng. Trong vòng 2 tháng đầu tiên ra quân, Đoàn 759 đã thực hiện thắng lợi 4 chuyến tàu, vận chuyển được 112 tấn hàng vào chiến trường Nam Bộ. Đó là kết quả có ý nghĩa hết sức to lớn.



Những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 759 đi chuyến mở đường (tháng 10-1962). Ảnh: TƯ LIỆU

Năm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng khi nhắc về những tháng ngày lênh đênh trên biển cùng đồng đội trên những con tàu Không số năm xưa, ánh mắt cựu binh Vũ Trung Tính (SN 1944; ngụ phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - người được mệnh danh "người ngắm sao trời dò đường đi" khi cùng đồng đội vận chuyển trót lọt 18 chuyến hàng từ Bắc vào Nam góp công lớn làm nên "đường Hồ Chí Minh trên biển" huyền thoại - lại ánh lên vẻ tự hào. "Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi được đưa ra khu vực Long Châu, cách Bạch Long Vĩ khoảng 46 hải lý, cách đất liền 20 hải lý để tập luyện. Đây là vùng biển thường xuyên có sóng cuộn lên cao rồi đổ ập xuống rất nguy hiểm. Do quen sông nước từ bé, tôi đã hoàn thành xuất sắc cuộc thử sức để chính thức lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam" - người cựu binh hồi tưởng. Ông nói rằng trong đời binh nghiệp, khoảng thời gian này là những năm tháng không thể nào quên.

Vị thuyền trưởng của con tàu mang bí số 41 Hồ Đắc Thạnh cũng đầy hứng khởi khi nhắc đến đoàn tàu Không số năm xưa. Ông bảo "đường Hồ Chí Minh trên biển" đã cho mình bài học rất lớn, dạy ông rất nhiều về lòng trung thành với Tổ quốc, sự hy sinh, sẵn sàng chiến đấu. Ngày đó, dù biết đi là có thể mất mạng vì bão tố đánh chìm, bị địch bao vây, phục kích, tấn công... nhưng vẫn quyết tâm ra đi. "Tình đồng chí, đồng đội rất keo sơn. Ra đi rồi thì sống chết gì anh em cũng chỉ trong một chiếc tàu thôi, chẳng thể gọi ai hay có lực lượng nào hỗ trợ nữa, nên tình cảm gắn bó rất sâu sắc. Gian khổ, nguy hiểm gì anh em cũng phải đồng lòng để vượt qua" - vị thuyền trưởng năm nào bày tỏ.

Ông nhớ lại chuyến thứ 7 vào Cà Mau. Tàu nhổ neo trong lúc gió mùa Đông Bắc mạnh, sóng rất cao nên bị mắc cạn ở Hoàng Sa, chỉ cách đồn địch khoảng 1,5 km. "Lúc đó, nói thật tất cả chúng tôi đều bủn rủn hết cả người. Cứ nghĩ lần này chắc mình cũng tiêu thôi. Nhưng rồi anh em đồng lòng, không ai đổ lỗi cho ai, vừa sẵn sàng chiến đấu nếu địch phát hiện vừa quyết tâm đưa tàu vượt cạn. Mất 2 ngày 3 đêm, anh em ngâm mình dưới biển đến cháy da lưng, cạy từng tảng san hô chết để thông luồng, cuối cùng cũng đưa được tàu ra khơi, tiếp tục hành trình" - Anh hùng Hồ Đắc Thạnh hồi tưởng và tự hào: "Chuyến đi đó được chỉ huy đánh giá là chiến công kép khi vừa thoát cạn vừa hoàn thành giao hàng cho Cà Mau". 

Đưa vào hơn 100 tấn vũ khí cho khu 9

Các nhà nghiên cứu lịch sử chứng minh rằng trong khi việc mở đường vận chuyển trên bộ theo dãy Trường Sơn vô cùng gian nan, vất vả nhưng mới chỉ vươn đến được khu 5, trong khi tình hình cách mạng ở vùng đất cực Nam Tổ quốc đang rất cần được chi viện vũ khí, khí tài để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng. Việc Đoàn 759 đưa được hơn 100 tấn vũ khí vào cung cấp cho khu 9 thực sự là một kỳ tích. Nếu đi theo đường bộ lúc đó, mỗi người gùi 25 kg thì để đưa được khối lượng hàng hóa, vũ khí nói trên cần khoảng 4.480 người đi liên tục trong vài tháng và phải có khối lượng lương thực, thực phẩm bảo đảm cho chừng đó con người trong thời gian vận chuyển, chưa kể những hao hụt trên đường vận tải.

(Theo NLĐO)
(Còn tiếp)

Các tin khác
Những con tàu không số trên đường vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển là nhân tố quan trọng huy động được sức mạnh cả nước vào sự nghiệp kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 2/1968. Ảnh: Tư liệu của Mỹ

Theo thống kê của giới sử học quốc tế, nhân loại đã xảy ra hơn 14.500 cuộc chiến tranh nhưng hiếm có cuộc chiến tranh nào lại kéo dài suốt 30 năm như cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Cũng chưa có tuyến chi viện nào từ hậu phương ra tiền tuyến mà lại có quy mô lớn, thời gian hoạt động dài, vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng lại có hiệu quả cao như hai tuyến chi viện chiến lược của Việt Nam. Đó là tuyến Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự tồn tại của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến vượt biển thành công của đoàn tàu không số đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Trung tá Vũ Trung Tính (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội Đoàn tàu Không số năm 1965.

Đầu tháng 9/1970, Tàu 154 đã thực hiện một chuyến cập bến đầy táo bạo và bất ngờ vào cửa ngõ đồn Gành Hào (Bạc Liêu) giữa ban ngày. Trường hợp này đối với Đoàn tàu Không số có lẽ là có một không hai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục