Tham dự Lễ kỷ niệm có: Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; đại biểu thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; đại biểu lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cục Hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; đại biểu các cơ quan Bộ Quốc phòng và đơn vị phối hợp, hiệp đồng; các đồng chí nguyên Tư lệnh Hải quân, nguyên Chính ủy Hải quân; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cựu chiến binh.
Tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng trình bày diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc cách đây 50 năm. Diễn văn nhấn mạnh: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1964-1973, trước những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, chế độ ngụy quyền tay sai ở miền Nam có nguy cơ sụp đổ, đế quốc Mỹ đã hai lần tiến hành chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nước ta. Mỹ đã sử dụng máy bay thả hàng vạn quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các cửa sông, cảng biển nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Trong cuộc phong tỏa lần thứ nhất (từ ngày 26/2/1967 đến ngày 30/10/1968), Mỹ vừa phong tỏa vừa thăm dò dư luận quốc tế và phản ứng của ta, dùng không quân đánh phá các đầu mối giao thông trên bộ, kết hợp phong tỏa các cửa sông, bến cảng, các đầu mối giao thông thủy, bộ từ Nam Khu 4 lan dần ra phía Bắc, tiến tới bao vây các cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả. Địch chủ yếu sử dụng loại bom từ trường DST-36, khống chế hẹn nổ như thủy lôi. Chúng thả gần 7.000 quả xuống các bến cảng, cửa sông ven biển, khu tập kết chuyển tải hàng hóa miền Bắc. Riêng khu vực Hải Phòng, Mỹ thả dày đặc bom từ trường bịt các cửa sông, bến phà, đường bộ quan trọng và tuyên bố sẽ biến cảng Hải Phòng thành một hòn đảo.
Lần phong tỏa thứ hai (từ ngày 9/5/1972 đến ngày 15/01/1973), đế quốc Mỹ phong tỏa với phạm vi và mức độ ác liệt hơn lần thứ nhất. Cùng một lúc chúng ồ ạt phong tỏa 43 khu vực của 10 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc bằng các loại thủy lôi và bom từ trường được cải tiến tinh vi hơn, mật độ dày đặc hơn giai đoạn trước. Tổng số chúng đã thả gần 8.000 quả thủy lôi và bom từ trường các loại, làm cho tuyến giao thông thủy, bộ bị tắc nghẽn. Riêng tại cảng Hải Phòng bị tồn đọng 160.000 tấn hàng, có 24 tàu chở hàng nước ngoài với 24.000 tấn hàng chưa bốc dỡ hết.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với quyết tâm "đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã làm nòng cốt, phối hợp hiệp đồng cùng các lực lượng vũ trang, lực lượng các bộ, ngành, địa phương triển khai các phương án chống địch phong tỏa, khơi thông luồng lạch, nối lại tuyến giao thông đường thủy.
Những cán bộ, chiến sĩ của Đội 8 Công binh Hải quân là lực lượng tiên phong, cảm tử, chấp nhận mạo hiểm, hy sinh, lặn mò, tháo gỡ thành công những quả thủy lôi, bom từ trường đầu tiên. Đây chính là kết quả bước đầu giúp các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, khám phá ra bí mật kỹ thuật thủy lôi địch. Đây cũng là bước ngoặt giúp ngành kỹ thuật Hải quân phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật quân sự, Cục Vận tải đường biển, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Nhà máy Cơ khí Duyên hải… chế tạo ra nhiều thiết bị và phương tiện rà phá thủy lôi, bom từ trường của địch.
Những cán bộ, chiến sĩ của cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và các trung đoàn 171, 172, 125, 128, 126, Đội 8 Công binh, Trường Sĩ quan Hải quân, các xưởng X46, X56, X48 hay những con tàu cảm tử T150, T152, V412… đã không quản ngày đêm, đầu đội bom bi, chân đạp thủy lôi, dũng cảm "cày đi, xới lại” nhiều lần trên các cửa sông, cảng, vịnh từ Quảng Ninh-Hải Phòng đến Quân khu 4 để lặn mò, dò tìm, tháo gỡ, phá nổ thủy lôi, bom từ trường trong điều kiện máy bay, tàu chiến địch ngày đêm điên cuồng đánh phá.
Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bền bỉ, quân và dân miền Bắc do Quân chủng Hải quân làm nòng cốt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá hủy hơn 13.000 quả thủy lôi, bom từ trường, hai lần đánh bại chiến tranh phong tỏa - một trong những hình thức chiến tranh hiểm độc nhất của đế quốc Mỹ, lập chiến công vang dội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thắng lợi đó là minh chứng khẳng định tài thao lược trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo kịp thời đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, chiến công của Bộ đội Hải quân và các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường. Đồng chí Thứ trưởng bộ Quốc phòng khẳng định: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sĩ; các đồng chí thương binh, bệnh binh; gia đình liệt sĩ; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị đã tham gia chiến đấu làm nên chiến công lịch sử này.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Quân chủng Hải quân tiếp tục phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm từ chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, tập trung xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị; chú trọng giáo dục sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn thấm nhuần giá trị thiêng liêng của mỗi hòn đảo, dải biển của Tổ quốc.
Quân chủng tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ cho 5 binh chủng: Tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh-tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và đặc công hải quân. Cán bộ, chiến sĩ phát huy tính sáng tạo, vươn lên làm chủ VKTBKT hiện đại; tích cực bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến; không ngừng nâng cao trình độ tổ chức hiệp đồng, chỉ huy, khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, tác chiến xa bờ, tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.
Quân chủng thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân trên biển ngày càng vững chắc. Tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo; làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển và tham gia giúp dân phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam cũng yêu cầu Quân chủng Hải quân thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, xử trí hòa bình các vấn đề ở những vùng biển chống lấn, tìm kiếm giải pháp căn cơ, cơ bản, toàn diện, lâu dài để ngăn chặn nguy cơ xung đột; tích cực triển khai sâu rộng, đa dạng các hoạt động đối ngoại quốc phòng trên nhiều hướng, cả song phương và đa phương... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Với chiến công xuất sắc trong rà phá thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ, Quân chủng Hải quân đã có 10 tập thể và 30 cá nhân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các hạng. Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 171 và Đội 8 Công binh vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 11 cán bộ vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
|
(Theo HQO)