Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2022 | 7:41:28 AM

YênBái - Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, xác định mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số (DS) vàng, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các cặp vợ chồng người Mông đã thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ và chăm lo tốt cho con cái.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các cặp vợ chồng người Mông đã thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ và chăm lo tốt cho con cái.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, Yên Bái đã đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng đồng bộ các đề án, chương trình về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng DS, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… nhằm hướng đến mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. 

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đổi mới về phương pháp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác DS trong tình hình mới. Hàng năm, ngành DS tổ chức ký kết kế hoạch liên tịch với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông. 

Đến nay, hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều có những hiểu biết nhất định về các biện pháp tránh thai. Các địa phương đã lồng ghép, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số-KHHGĐ vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm.

Ngành y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các địa bàn có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp đỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc sinh dày và sinh nhiều. 

Cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ hàng tỷ đồng cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách DS. 

Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện (nay là phòng dân số thuộc trung tâm y tế) và các trường THPT, THCS tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên, lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới trong các trường học thông qua hoạt động ngoại khóa. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật và nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 


Cán bộ Huyện đoàn Trấn Yên và dân số xã Hưng Khánh vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS - KHH gia đình.  

Theo báo cáo thống kê chuyên ngành DS, tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 111,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tất cả các tuyến đã được đầu tư nâng cấp. Mạng lưới dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã có đều khắp tại các xã, đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sản khoa thiết yếu. Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều có khoa sản. Đa số các huyện, thị xã, thành phố đã có phòng khám sản phụ khoa tư nhân.

Công tác quản lý thai sản được quan tâm, số phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế tăng so với giai đoạn trước đây, giảm đáng kể tỷ lệ sinh đẻ tại nhà, tại nương rẫy, sinh đẻ không có cán bộ y tế tham gia đỡ đẻ, góp phần tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ trẻ em, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động chưa theo kịp yêu cầu trong tình hình mới, chưa chú ý đến việc phát triển các mô hình truyền thông tại cộng đồng. Kiến thức và kỹ năng sống của trẻ vị thành niên và thanh niên về chăm sóc SKSS, hôn nhân và gia đình còn hạn chế. 

Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số địa phương có xu hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra. Ngân sách chi cho hoạt động DS-KHHGĐ ngày càng giảm. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, SKSS vị thành niên vẫn còn thiếu và yếu.

Để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác DS. Triển khai thực hiện đăng ký DS và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất dùng chung đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội. Cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm nay, Tháng hành động quốc gia về DS có chủ đề: "Nâng cao chất lượng DS để phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ triển khai các hoạt động như: đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về DS; tổ chức các hoạt động tọa đàm, thảo luận nhóm; chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên... 

Thu Hiền