Theo đó, khống chế được tốc độ gia tăng dân số, đưa mức sinh trở về mức sinh thay thế từ năm 2012 đạt 2,08 con/phụ nữ và duy trì trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây mức sinh trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh trở lại.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy tổng tỷ suất sinh trung bình hàng năm của tỉnh là 2,82 con/phụ nữ/năm, là một trong 3 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Dự báo, mức sinh của tỉnh trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng cao nếu không có sự can thiệp tích cực và hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng trên địa bàn, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 04/8/2022 thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh phấn đấu tổng tỷ suất sinh hàng năm trung bình giảm 0,12 con/phụ nữ.
Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt dưới 2,3 con/phụ nữ, quy mô dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 870.000 người. Giai đoạn 2026 - 2030, duy trì mức sinh thay thế tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2,15 con/phụ nữ, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người.
Theo đó, KHHGĐ là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh, góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trọng tâm là mở rộng tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản (SKSS) và các dịch vụ có liên quan, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ KHHGĐ không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn; tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả các biện pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân sinh ít con hơn, như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên…
Trong năm 2022, thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục vận động thay đổi hành vi dân số; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ; tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, Internet, mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động về KHHGĐ, lồng ghép với các hoạt động truyền thông của các chương trình, đề án khác; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục DS/SKSS, sức khỏe tình dục và giới tính trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi; phát triển mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên, liên tục phù hợp với từng vùng, đối tượng. Trên địa bàn tỉnh, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở.
Các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhân dân; đội ngũ cán bộ dân số xã, cộng tác viên thôn, bản được tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn, biện pháp tránh thai phi lâm sàng tại cộng đồng. Chi cục tổ chức Chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ tại 53 xã đặc biệt khó khăn.
Kết quả, tại địa bàn tổ chức chiến dịch đã có 2.443 ca đặt dụng cụ tử cung, 26 ca triệt sản, 1.671 người sử dụng bao cao su, 5.162 người uống thuốc tránh thai, có 7.803 lượt phụ nữ khám viêm nhiễm đường sinh sản.
Ngoài ra, Chi cục bổ sung thuốc, vật tư tiêu hao đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho 6.000 ca đặt dụng cụ tử cung, 110 ca triệt sản và 800 người tiêm thuốc tránh thai từ nguồn hỗ trợ ngân sách của tỉnh; cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí đảm bảo đúng đối tượng sử dụng tại cơ sở và triển khai tiếp thị xã hội tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, thực hiện tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai với 3.500 bao cao su và 2.000 vỉ viên uống tránh thai.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã khen thưởng 1 xã giảm trên 50% số người sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2021 và 48 thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên... Bằng những hoạt động cụ thể, năm 2022 tỷ lệ giảm sinh của tỉnh ước đạt 0,4%.
Mục tiêu năm 2023, tỷ lệ giảm sinh của tỉnh giảm 0,2% và số người mới áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 53.180 người. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới ngành dân số cần bổ sung trang thiết bị, dụng cụ cung cấp dịch vụ KHHGĐ cấp cho các cơ sở y tế còn thiếu hoặc cần thay thế; in và tổ chức cấp phát tuyên truyền cho cơ sở; bổ sung thêm trang thiết bị truyền thông cho cơ sở. Cấp que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai miễn phí để kịp thời cấp cho đối tượng có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, ngành cần quan tâm tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ các cấp.
Thu Hiền