Năm 2009, anh Hoàng Huy Tuấn ở tổ 11, thị trấn Cổ Phúc bắt tay vào nuôi gà. Ban đầu anh gặp nhiều khó khăn, nhất là kỹ thuật chăn nuôi và đầu ra cho sản phẩm, thế nhưng bằng ý chí quyết tâm, anh đã xây dựng khu chăn nuôi và nuôi gà thành công. Anh luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn nuôi các giống gà cho năng suất cao và chất lượng thịt thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng như: Minh Dư, ri Lạc Thủy, gà Mía… Anh trở thành người tiên phong đưa sản phẩm gà đồi thị trấn Cổ Phúc vươn ra thị trường miền Bắc.
Anh Tuấn chia sẻ: "Nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi thì nuôi gà không khó mà lại cho thu nhập cao nên gia đình tôi đã từng bước nhân rộng quy mô chuồng trại và chủ động liên kết với các hộ dân ở địa phương cùng phát triển mô hình gà. Cao điểm nhất là năm 2017, tổng đàn lên tới 3 triệu con”.
Đến nay, anh Tuấn đã liên kết với 70 hộ nuôi gà trên địa bàn và các xã lân cận thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa thị trấn Cổ Phúc. Anh Tuấn cũng giúp đỡ các hộ dân từ việc cung ứng con giống, vật tư thú y, vắc xin, kỹ thuật chăn nuôi cho đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, THT nuôi 30 nghìn con gà/lứa và đã thành lập doanh nghiệp chuyên chế biến gà để bán vào chuỗi siêu thị. Ngoài ra, THT còn hợp tác với một số trang trại lớn như: MQ, Cường Thịnh và một số đối tác chăn nuôi lớn ở các xã để phát triển chăn nuôi gà, với quy mô cả hệ thống khoảng 70 nghìn con/lứa.
Hiện chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là nuôi gà đang có xu hướng phát triển nhanh theo mô hình sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc và các xã lân cận. Các hộ không chỉ nuôi gà với quy mô lớn từ 3 nghìn - 5 nghìn con mỗi lứa mà còn liên kết với nhau, tạo thành chuỗi khép kín từ khâu con giống đầu vào, kỹ thuật chăn nuôi cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Quang Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cổ Phúc cho hay: "Chục năm trở lại đây, việc chăn nuôi gà đồi bán công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 8-15 triệu đồng/người/tháng. Hiện thị trấn đã có 40 mô hình chăn nuôi gà và 4 chuỗi giá trị trong chăn nuôi hoạt động theo THT, doanh nghiệp”.
Sản phẩm gà ủ muối của THT đã vươn ra thị trường các tỉnh và vào các chuỗi siêu thị.
THT đã nhân rộng mô hình chuyên sâu từ nuôi gà sạch hữu cơ đến sơ chế và chế biến sâu, để bớt khâu trung gian, tăng hiệu quả cho người sản xuất. Sản phẩm gà ủ muối đang là giải pháp để THT nâng cao giá trị sản phẩm gà thịt. Anh Tuấn cho biết thêm: "THT đã đi học hỏi ở các cơ sở sản xuất gà ủ muối uy tín, để sản phẩm làm ra của THT không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng tốt, thơm ngon, tạo chỗ đứng trên thị trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi”.
Với sự liên kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích, minh bạch trong điều tiết lợi nhuận giữa các thành viên và sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, THT đã tạo ra sản phẩm uy tín, đem về nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Sản phẩm gà thị trấn Cổ Phúc hiện đã vươn ra thị trường các tỉnh như: Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc… đặc biệt vào cả các chuỗi siêu thị. Con gà đã giúp các thành viên THT nâng cao thu nhập, đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Năm 2024, thị trấn Cổ Phúc đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình chăn nuôi gà đảm bảo an toàn sinh học, hướng người dân xây dựng sản phẩm gà ủ muối đảm bảo tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm gà đồi”.
Từ việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, kinh doanh, sản phẩm gà đồi thị trấn Cổ Phúc đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Minh Huyền