Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên đã cụ thể hóa, ban hành đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng định hướng, mục tiêu, quan điểm Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện.
- Đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả đạt được của huyện trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp thời gian qua?
Đồng chí Trần Nhật Tân: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM bền vững được huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trên địa bàn huyện hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường, như: vùng trồng tre Bát độ đạt trên 4.200 ha, chiếm trên 73% diện tích tre măng Bát độ toàn tỉnh, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 33.000 tấn/năm, giá trị trên 200 tỷ đồng; vùng trồng dâu, nuôi tằm gần 900 ha, chiếm trên 72% diện tích dâu toàn tỉnh, sản lượng kén đạt 1.400 tấn, giá trị trên 250 tỷ đồng; vùng quế đạt trên 20.000 ha; trong đó, có 9.000 ha vùng quế hữu cơ, 2.400 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 1.730 ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững; vùng trồng cây ăn quả có múi trên 900 ha; vùng chè 490 ha; vùng cây dược liệu trên 220 ha; có 734 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 490 ha, đứng thứ 2 toàn tỉnh.
Toàn huyện có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến măng của Công ty Yamazaki Việt Nam, Công ty TNHH Vạn Đạt; Nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái với công suất 150 tấn tơ/năm (tương đương 1.100 tấn kén) hoàn thành và đi vào hoạt động đã góp phần củng cố chuỗi liên kết sản xuất bền vững; một số vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của huyện như dâu tằm, chè chất lượng cao, quế hữu cơ… cho thu nhập từ 200 - 250 triệu/ha/năm.
Đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trấn Yên.
Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp (SXNN) tốt được quan tâm thực hiện hiệu quả; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.
Đến nay, huyện có 7 sản phẩm chủ lực được bảo hộ sở hữu trí tuệ, có 32 sản phẩm có tem truy xuất, 33 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, có 25 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực: măng tre Bát độ, dâu tằm tơ, chè chất lượng cao, quế hữu cơ, quả có múi, gia cầm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 1.660/1.600 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
- Như đồng chí chia sẻ, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM bền vững được huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt. Vậy, XDNTM ở Trấn Yên đã đạt được những kết quả ra sao?
Đồng chí Trần Nhật Tân: Chương trình XDNTM được triển khai căn cơ, bài bản, khoa học, thực chất, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, ngày càng khang trang, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 54,6 triệu/người/năm, tăng 48,4% so với đầu nhiệm kỳ; chỉ số hạnh phúc của người dân Trấn Yên ngày càng được nâng cao.
Đến nay, huyện có 3 xã NTM kiểu mẫu, 10 xã NTM nâng cao, duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM và 108 thôn NTM kiểu mẫu; dự kiến hết năm 2023, có 5 xã NTM kiểu mẫu; 14 xã NTM nâng cao; 120 thôn NTM kiểu mẫu.
- Huyện sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng XDNTM trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Nhật Tân: Trước hết, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với XDNTM; tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp và XDNTM; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về chính sách, đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và XDNTM, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với lợi thế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị... Huy động các nguồn lực XDNTM bền vững, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, gắn mục tiêu XDNTM với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Phấn đấu có 18 xã đạt xã NTM nâng cao, 9 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, 150 thôn NTM kiểu mẫu, thị trấn Cổ Phúc được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và đến năm 2025 huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Hạnh (thực hiện)