Yên Bái nâng cao vị thế của xuất khẩu trong “cỗ xe tam mã”

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/11/2024 | 7:52:43 AM

YênBái - Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và lao động, Yên Bái sở hữu tiềm năng lớn để phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, để khai thác tối đa tiềm năng cũng như duy trì và nâng cao vị thế của xuất khẩu trong “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế, Yên Bái cần những giải pháp mang tính đột phá.

Sản xuất hạt nhựa phụ gia xuất khẩu tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.
Sản xuất hạt nhựa phụ gia xuất khẩu tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.

Đẩy mạnh xuất khẩu được coi là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế và thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia cũng như các địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, trong các động lực tăng trưởng kinh tế thì "cỗ xe tam mã” gồm: xuất khẩu hàng hóa, đầu tư công, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng. 

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có lợi thế phát triển ngành nông - lâm sản, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản phục vụ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu. Những năm qua, Yên Bái đã nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, phát triển một số mặt hàng chủ lực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. 

Tuy nhiên, vài năm gần đây, các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, hệ lụy của hậu đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại. 

Trong bối cảnh đó, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính quyền, các sở, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thương mại điện tử; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá. 

Theo số liệu công bố, năm 2023, giá trị xuất khẩu của tỉnh Yên Bái đạt 355 triệu USD, tăng 1,4% so với kế hoạch, tăng 19% so với năm 2022, tương đương 57,7 triệu USD. Trong 10 tháng của năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Yên Bái đạt 346,7 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa đã đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tích cực. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nhận thấy quy mô, cơ cấu hàng xuất khẩu mặc dù đã có sự chuyển dịch nhưng vẫn chậm. Nhiều sản phẩm thế mạnh của Yên Bái như khoáng sản, hàng may mặc, hạt nhựa, chè, quế… đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. 

Cùng với đó, các doanh nghiệp, ngành hàng chưa có sự đầu tư để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao; nhiều mặt hàng tỷ trọng nguyên liệu thô, hàng chưa chế biến hoặc mới qua sơ chế, hàng gia công còn chiếm tỷ trọng lớn; sản lượng cung cấp của nhiều doanh nghiệp không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu lớn nên chủ yếu phải bán hàng qua khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng cần phải đề cập. 

Đến nay, thị trường xuất khẩu của Yên Bái đã phát triển và mở rộng tại hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng sản phẩm xuất khẩu vẫn là những thị trường truyền thống như: Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Việc phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn như hiện nay mang tính rủi ro cao vì khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ phải đối mặt với những "cú sốc” lớn và bị gián đoạn. 

Năm 2024, tỉnh Yên Bái phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 420 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và không bị tụt lại trong "cỗ xe tam mã” - động lực chính tăng trưởng kinh tế, Yên Bái cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo hướng kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của các thị trường. 

Song song, cần tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu; tập trung nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; tận dụng cam kết trong các FTA Việt Nam đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. 

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển hệ thống logistics, thương mại biên giới cũng như tiếp tục cải cách, cắt  giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. 

Cùng với sự đồng hành của các cấp chính quyền, bản thân các doanh nghiệp Yên Bái cần tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu, duy trì và nâng cao vị thế của xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Yên Bái phải kể đến nhóm công nghiệp và chế biến khoáng sản khi nhóm hàng này mang về 140,26 triệu USD, chiếm tỷ trọng 40,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh và tăng 102% so với cùng kỳ. Tiếp đến phải kể đến nhóm hàng nông lâm sản, nông lâm sản chế biến khi mặt hàng này đem về hơn 121 triệu USD, chiếm tỷ trọng 34,9% giá trị xuất khẩu của Yên Bái, trong đó đóng góp chính vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này là sản phẩm đồ gỗ cao cấp, gỗ xuất khẩu.

Văn Thông

Tags Yên Bái xuất khẩu chuỗi giá trị công nghiệp khoáng sản

Các tin khác
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại diễn đàn về giải pháp phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực; trong đó, có 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc.

Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh xét, công nhận xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đạt chuẩn NTM năm 2024.

Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tỉnh Yên Bái đã tổ chức xét, công nhận xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đạt chuẩn NTM năm 2024.

Doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sản xuất bền vững để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (EU) sẽ bị ảnh hưởng bởi Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp tết sắp tới.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Khôi phục sản xuất sau bão số 3, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang nỗ lực tái đàn, tích cực chăm sóc và tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để đáp ứng nguồn cung thực phẩm tươi sống dịp tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục