Những tín hiệu tích cực
Theo Sở Công thương, 2 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 3.474 tỷ đồng, giá so sánh 2010 ước đạt 2.540 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2023. Một số sản phẩm sản xuất chính có tín hiệu tăng, như: đá block, đá xẻ, đá CaCO3 (hạt, bột), quặng sắt, felpat bột; tinh bột sắn, gạch xây dựng, giấy đế, sản phẩm may mặc...; đáng chú ý là sự phục hồi của một số sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vào guồng làm việc khẩn trương với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm để "chinh phục” những mục tiêu mới trong năm 2024.
Ngay trong ngày khai xuân, Công ty cổ phần Thương mại Sản xuất Kim Gia đã động viên, kích lệ công nhân, người lao động bằng những phần quà. Đại diện lãnh đạo Công ty cho biết: Qua khó khăn của năm 2023, đầu năm nay, Công ty lại có đơn hàng quốc tế, điều đó làm chúng tôi thêm phần phấn khởi và tạo niềm tin cho anh em.
Năm qua, thị trường gỗ tiếp tục gặp khó khăn, tuy nhiên với sự chủ động và nỗ lực vượt khó, Công ty cổ phần Thương mại Sản xuất Kim Gia vẫn có những đơn hàng ổn định. Theo đánh giá, đầu năm nay, thị trường gỗ đã có dấu hiệu phục hồi và dự kiến phục hồi mạnh vào Quý III. Vì vậy, Công ty đã có kế hoạch sản xuất với mục tiêu đạt doanh thu bằng 150% của năm 2023.
Đặc biệt sắp tới, Công ty sẽ được cấp chứng chỉ CE đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp có thể thông quan vào Liên minh Châu Âu. Đây là một tín hiệu vui cho hoạt động xuất khẩu của Công ty.
2 tháng đầu năm 2024, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa của tỉnh Yên Bái tăng 30,2%.
Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa - một trong những doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh chế biến gỗ ép và gỗ ghép thanh để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của huyện Trấn Yên. Trong năm 2024, doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đặt ra là 10.000 m3.
"Ngay từ hôm mùng 6 Tết, toàn bộ công nhân nhà máy đều có mặt đông đủ để sẵn sàng tâm thế cho một năm làm việc hiệu quả, năng suất chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên” - ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa cho biết.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn Yên Bái thì thị trường tiêu thụ của ngành chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ của Yên Bái tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng qua 2 tháng đầu năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi.
2 tháng đầu năm 2024, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa của tỉnh Yên Bái tăng 30,2%. Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ: vỏ bào, dăm gỗ tăng 53,17%; gỗ dán tăng 1,32 lần; ván ép 23,4%.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Mặc dù giá bán sản phẩm vẫn thấp nhưng Công ty vẫn duy trì sản xuất. Nếu như vào tháng 7/2023 - đỉnh điểm của khó khăn khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thì từ khoảng cuối năm 2023 đến nay, sản xuất của doanh nghiệp đã dần phục hồi. Hiện, Công ty đang duy trì từ 60-70% công suất, cơ bản tương đương so với đầu năm 2023.
"Do thiếu lao động nên hiện cơ sở của chúng tôi chỉ vận hành 1 dây chuyền, sản xuất từ 600 - 700 m3/tháng. Qua thông tin, chúng tôi xã định được nhu cầu của thị trường về sản phẩm của mình rất lớn. Hy vọng thị trường năm 2024 sẽ tăng so với năm trước…” - Ông Phạm Văn Hùng - cơ sở chế biến gỗ Tuấn Hùng ở thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cho biết.
Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, giá trị sản xuất chế biến ngành công nghiệp này chiếm khoảng 43% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; hàng năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Chất lượng sản phẩm gỗ ngày càng được nâng cao. Sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, đũa gỗ, viên nén đã được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ và một phần được tiêu thụ trong nước.
Để ngành chế biến, sản xuất sản phẩm từ gỗ phát triển bền vững
Tỉnh Yên Bái tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc theo Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025.
|
Là một mặt hàng mới phát triển mạnh khoảng nửa thập kỷ gần đây nên việc phát triển thương hiệu đồ gỗ Yên Bái trên thị trường quốc tế còn hạn chế và chưa được chú trọng.
Ông Nguyễn Hữu Long - Trường phòng Quản lý công nghiệp năng lượng, Sở Công thương Yên Bái cho biết: Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000 m3 các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa và khoảng 604 nghìn tấn củi, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh và về số lượng, lẫn quy mô, công nghệ.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 520 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH 1 thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông...
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ Yên Bái đều có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế. Công tác xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết tốt giữa các tổ chức hỗ trợ thương mại và doanh nghiệp. Hơn nữa, chủ yếu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện gia công cho thương hiệu nước ngoài... Vì vậy, "sóng gió" sau đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ Yên Bái nói riêng.
Phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái phấn đấu có khoảng 80.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.
Để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, cùng với xây dựng vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư, quy hoạch cơ sở chế biến, xây dựng chính sách sử dụng gỗ tiết kiệm, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành hàng…, Yên Bái tập trung phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn, giúp doanh nghiệp có cơ hội giao thương, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, Hướng phát triển cho ngành
chế biến gỗ ở Yên Bái lúc này là cần đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, tiết kiệm được nguyên liệu; cần tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới; cần đẩy mạnh việc đào nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và đội ngũ công nhân có tay nghề cao...
Theo đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng tỉnh Yên Bái cần phát triển theo đúng định hướng, quy hoạch, phải từng bước đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất, nâng cấp toàn bộ các cơ sở chế biến gỗ và lâm đặc sản trên địa bàn với trang thiết bị máy móc và công nghệ mới, tiên tiến để tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao năng suất,
chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Nhà nước cần thực hiện vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết trong hợp tác sản xuất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư sản xuất các sản phẩm bán thành phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng, làm vệ tinh cho một số các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực đầu tư chế biến sâu đến sản phẩm cuối cùng.
Cùng với đó, tích cực đầu tư phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn: về cơ sở vật chất kỹ thuật; đội ngũ quản lý, giảng viên và hướng dẫn; chương trình và nội dung đào tạo với trọng tâm hướng vào thực hành nghề, các nghề mới, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động; phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng…
"Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…, góp phần đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc” - ông Lân cho biết thêm.
Thành Trung