Những ngày này, hơn 1.000 công nhân may của Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái đang hối hả làm việc để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hậu - Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính Công ty cho biết: "Hàng may mặc do Công ty sản xuất đều được xuất đi các thị trường châu Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc. Từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực nên các đơn hàng từ phía đối tác luôn duy trì ổn định, không bị đứt gãy. Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Công ty tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động không giới hạn, tuy nhiên việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn”.
Không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, các doanh nghiệp ngành chế biến nông - lâm sản cũng đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Đặc biệt, một số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các mặt hàng như giường, tủ, bàn ghế cũng tăng quy mô sản xuất do ký được đơn hàng mới hàng mới như Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Công ty TNHH Tủ bếp Cao Tiệp Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp Sunwell.
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh tình hình xuất nhập khẩu chưa vơi hết khó khăn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chưa hồi phục.
Trước bối cảnh trên, ngành Công Thương đã phối hợp với các địa phương tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số. Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 37,5 triệu USD, tăng 3,5% so thực hiện tháng trước (tương đương 1,255 triệu USD), tăng 28% so cùng kỳ (tương đương 8,35 triệu USD), đạt 101% so với kịch bản tháng 7/2024. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Yên Bái ước đạt 235,823 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ (tương đương 54,42 triệu USD), đạt 96,9% so với kịch bản 7 tháng, bằng 56,15% kế hoạch năm.
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu chưa đạt kịch bản tăng trưởng, do nhu cầu chung của thị trường giảm, một số doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng mới, giá hàng hóa xuất khẩu có sự sụt giảm làm giảm tăng trưởng xuất khẩu.
Điểm sáng trong xuất khẩu phải kể đến nhóm công nghiệp và chế biến khoáng sản với giá trị xuất khẩu 89,379 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,9%, tăng 14,58% so với cùng kỳ. Tiếp đến là nhóm hàng nông, lâm sản chế biến với giá trị xuất khẩu 82,079 triệu USD, chiếm tỷ trọng 34,81%. Kế tiếp là nhóm sản phẩm may mặc với giá trị xuất khẩu đạt trên 39 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,86%, tăng 8,16% so với cùng kỳ tương đương với 3 triệu USD.
Năm 2024, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 420 triệu USD, tăng 18,3% so với năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu này, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh phấn đấu đạt 43 triệu USD trở lên; 8 tháng phấn đấu đạt 278,823 triệu USD trở lên.
Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh sẽ tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các Hiệp định FTA theo ngành hàng, thị trường cụ thể. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp theo hệ sinh thái các ngành hàng, liên kết với các địa phương có cùng tiềm năng, thế mạnh tranh thủ các lợi thế của các Hiệp định FTA đã đạt được ký kết.
Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa tỉnh Yên Bái đến năm 2030; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường xuất khẩu, chú trọng phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo ổn định cung cầu, bình ổn thị trường, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại ổn định thị trường bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh sự đồng hành của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, ngành hàng phải nỗ lực hơn để nắm bắt cơ hội từ thị trường, tổ chức tốt và đáp ứng năng lực sản xuất kinh doanh.
Văn Thông