Mù Cang Chải nỗ lực giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/5/2025 | 8:12:43 AM

YênBái - Những năm qua, công tác giảm nghèo tại huyện vùng cao Mù Cang Chải được Đảng bộ, chính quyền đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả bằng những chương trình, dự án hỗ trợ tạo sinh kế, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo tại đây đã có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình ổn định.

Đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trồng, chăm sóc cà chua bằng phương pháp hữu cơ.
Đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải trồng, chăm sóc cà chua bằng phương pháp hữu cơ.


Bà Thào Thị Chảo - bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, trước đây là hộ nghèo. Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong phát triển kinh tế do huyện tổ chức cũng như được tiếp cận, tìm hiểu phương pháp và hướng phát triển kinh tế phù hợp nên gia đình bà đã có cuộc sống khá giả. Nhận thấy sơn tra là loại cây bản địa, dễ trồng và chăm sóc, bà đầu tư mua giống về trồng trên diện tích hơn 1ha. 

Bà Chảo chia sẻ: "Tôi thấy cây sơn tra rất phù hợp với đất rừng địa phương, mặc dù khi bắt đầu trồng thì giá quả sơn tra chưa cao như bây giờ. Tôi đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây nhưng cây sơn tra cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn nên tôi quyết định trồng và mở rộng diện tích. Cũng nhờ có cây sơn tra mà gia đình tôi đã thoát nghèo". 

Qua trao đổi với lãnh đạo xã Nậm Khắt được biết, công tác giảm nghèo ở đây đang được triển khai tích cực, huyện và xã đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng trên địa bàn xã từng bước được cải thiện. Sau nhiều nỗ lực, đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12,5% (năm 2020 là 54%), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/năm. 

Để giảm nghèo bền vững, lãnh đạo xã tập trung xây dựng và chuyển giao các mô hình trồng cây rau đặc sản ưa lạnh, các loại hoa cho hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Tiêu biểu là việc liên tục mở rộng diện tích trồng cây rau mầm đá, nấm linh chi và hoa hồng Pháp, tạo vùng chuyên canh tập trung hàng trăm héc ta. 

Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt - Thào A Phềnh cho biết: "Xã đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, học nghề, chuyển đổi  giống cây trồng, vật nuôi đến việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và thông tin thị trường. Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng cây hằng năm được chuyển đổi trồng những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm quanh năm, giúp người dân thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Mù Cang Chải, để đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng này, địa phương đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của người dân; phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, xây dựng niềm tin và khát vọng vươn lên thoát nghèo, điều quan trọng nhất là trang bị kiến thức và có cơ chế vừa đủ, đúng thời điểm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo. Thay đổi tư duy, tự lực chủ động vươn lên thoát nghèo là giải quyết tận gốc nguyên nhân đói nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững. 

Chỉ khi nhận thức về thoát nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, dám nghĩ dám làm của người nghèo được nâng lên thì sự hỗ trợ của chính quyền mới phát huy tác dụng; các biện pháp hỗ trợ, như: vay vốn, cung cấp giống, kỹ thuật canh tác, giao đất sản xuất, tìm kiếm thị trường... cũng mới phát huy hiệu quả. 

Thực tế cho thấy, để giảm nghèo theo hướng đa chiều, toàn diện, bền vững thì công tác đầu tư cho con người, đầu tư nâng cao năng lực, trình độ, hiểu biết về mọi mặt để khai thác nội lực trong mỗi người có ý nghĩa quyết định. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện mục tiêu thoát nghèo. Huyện sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng xã hội yếu thế. 

Mù Cang Chải cũng công khai, minh bạch các nguồn vốn, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của UBND huyện Mù Cang Chải, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn trên 54% thì đến cuối năm 2024 đã giảm còn gần 29%, tương đương giảm gần 4.000 hộ nghèo. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện năm 2025 giảm còn hơn 23% - trở thành một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của cả nước.

Quang Thiều

Tags Mù Cang Chải giảm nghèo hộ nghèo thoát nghèo người nghèo cây trồng vật nuôi

Các tin khác
Sơ chế chuối tại Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).

Với gần 90% tỷ lệ đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) nhằm gỡ bỏ rào cản, thể chế cản trở sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), theo tinh thần NQ số 68-NQ/TW. Để hiện thực hóa NQ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự giám sát của xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành.

Sáng nay, Báo Dân trí phối hợp với UBND huyện Lục Yên tổ chức lễ khánh thành cầu Dân trí ở thôn Trang Thành và 13 ngôi nhà nhân ái tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội, chủ đầu tư, nhà thầu ấn nút khởi công dự án.

Sáng 19/5 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã “ấn nút” khởi công dự án cầu Tứ Liên. Cầu Tứ Liên khi hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc cho các cầu qua sông Hồng hiện hữu và mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Yên Bái.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đi qua địa bàn 2 xã, phường của thành phố Yên Bái gồm phường Hợp Minh và xã Âu Lâu có chiều dài 6,7 km; tổng diện tích thu hồi theo ranh giới giải phóng mặt bằng (GPMB) là 32,51ha. Trong đó: phường Hợp Minh 17,48ha, xã Âu Lâu 15,03ha. Thành phố Yên Bái xây dựng 2 khu tái định cư (xã Âu Lâu: 1 khu, phường Hợp Minh: 1 khu) với tổng diện tích thu hồi 7,4 ha để bố trí cho 65 hộ gia đình có đất ở, nhà ở bị thu hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục