Mù Cang Chải triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/2/2025 | 9:06:04 AM

YênBái - Những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như cuối năm 2021 tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện là 70,3% thì đến cuối năm 2024 còn 28,4%, dự kiến cuối năm 2025 sẽ giảm xuống 23,2%. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Văn Tuấn)
Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Văn Tuấn)


P.V: Xin ông cho biết những kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện những năm qua?

Ông Lê Trọng Khang: Sau 4 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các xã trong huyện. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình và giải ngân nguồn vốn được giao. Sau khi nhận được Nghị quyết HĐND tỉnh, Quyết định UBND tỉnh phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện theo quy định, bảo đảm kịp thời. 

Chương trình thiết kế tập trung đầu tư, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.

Cùng với đó là triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên, gồm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo thụ hưởng văn hóa thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và chính sách hỗ trợ tiền điện. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần giúp người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Người nghèo thấy được bản thân mình cần phải nỗ lực, vươn lên thoát nghèo, phần nào khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

P.V: Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện còn những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa ông?

Ông Lê Trọng Khang: Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập như: tiến độ triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra, chưa huy động được kinh phí từ nhiều nguồn lực khác; thu nhập, đời sống người dân chưa cao cơ sở hạ tầng xây dựng tại một số bản, người dân chưa được tiếp cận, thụ hưởng do chưa được hỗ trợ đầu tư (điện, sóng truyền hình, mạng Internet, di động). 

Cùng đó nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; việc bố trí ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số sở, ngành của tỉnh, cơ quan, đơn vị cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ và hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo theo phân công. 

Việc bố trí ngân sách thực hiện chưa tương xứng, đối ứng vốn thực hiện chưa kịp thời, đúng quy định; thiếu chủ động trong huy động, tranh thủ các nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thêm vào đó, một số cơ chế, chính sách Trung ương ban hành, hướng dẫn thực hiện còn có vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; chậm hoặc chưa được xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện kịp thời để giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Công tác khảo sát, lập và giao kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo ở một số xã còn chậm, thiếu chủ động và chưa bảo đảm theo quy trình, quy định, phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần, nhất là dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến giải ngân không đạt tiến độ, chậm phát huy hiệu quả của các chính sách. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cán bộ huyện Mù Cang Chải tuyên truyền về việc triển khai hiệu thực hiện quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho nhân dân. (Ảnh Văn Tuấn )

P.V: Xin ông cho biết những giải pháp huyện tiếp tục triển khai trong thời gian tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025?

Ông Lê Trọng Khang: Để tiếp tục triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian tới một cách hiệu quả, thiết thực, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. 

Hằng năm, huyện sẽ tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình hướng dẫn, cập nhật dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng tiêu chí, đúng đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Từ đó, phân loại đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều được chính xác hơn, nhân rộng kịp thời những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhau thoát nghèo, không chạy theo thành tích, tránh phô trương, hình thức, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Thiều (thực hiện)

Tags Mù Cang Chải chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chính sách hỗ trợ

Các tin khác
Nhân dân xã Mậu Đông, huyện Văn Yên tự nguyện phá bỏ tường rào hiến đất mở rộng lòng, lề đường giao thông nông thôn để xây dựng nông thôn mới.

Việc triển khai Đề án đạt kết quả tích cực và vượt mục tiêu đề ra trong từng năm qua, đã góp phần quan trọng đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện tiêu chí số 2 về giao thông của các xã trên địa bàn tỉnh, đưa thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên, Yên Bình và mới nhất là huyện Văn Yên sớm đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Chi bộ và các CCB thôn 8, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên vệ sinh cảnh quan tuyến đường do Chi hội CCB thôn tự quản.

Đầu xuân mới Ất Tỵ năm 2025, chúng tôi về Minh Quán - xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nổi trội về cảnh quan môi trường của huyện Trấn Yên và cũng là của tỉnh. Đến đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu, cờ, hoa rực rỡ mừng Đảng, mừng xuân, mừng những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đạt được trong gần một nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường là một dấu ấn nổi bật.

Thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát.

Biên lợi nhuận có thể giảm nhưng doanh nghiệp nhôm, thép sẽ được cạnh tranh sòng phẳng với tuyên bố "không có ngoại lệ" của ông Trump.

Bà con nông dân thị xã Nghĩa Lộ xuống đồng chăm sóc lúa xuân.

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà con nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã hăng hái trở lại với hoạt động sản xuất, tích cực thăm đồng, tiến hành làm cỏ, bón phân, lấy nước cho lúa, bắt kịp nhịp độ về mùa vụ với khí thế ra quân đầu năm sôi nổi và niềm tin vụ mùa bội thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục