Là tỉnh miền núi nghèo, địa hình chia cắt mạnh, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Yên Bái xác định, một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện giảm nghèo bền vững là đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hạ tầng phát thanh, truyền hình, viễn thông…, ưu tiên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo thuận lợi cho cho mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo.
Thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình, dự án.
Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, huyện Văn Yên có 20 công trình với tổng mức đầu tư 112 tỷ 930 triệu đồng. Kinh phí đã cấp đến nay 57 tỷ 758 triệu đồng, giải ngân đạt 47 tỷ 085 triệu đồng, bằng 81,52% kinh phí đã giao. Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành vào quý III và quý IV năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Thế Quyền - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên cho biết: "Các công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cơ sở hạ tầng của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, chất lượng giáo dục của địa phương”.
Cùng với đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, Yên Bái tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án về phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp theo từng vùng; tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo.
Dự kiến năm 2023, Yên Bái có khoảng 10.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ từ các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ
đào tạo nghề, kết nối, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, Yên Bái đã tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho lao động, đặc biệt tại các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Trong 8 tháng qua, toàn tỉnh đã chuyển dịch 6.453/7.000
lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 92,2% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh tiếp tục rà soát, xác định số lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn chưa qua đào tạo nghề; chưa có việc làm hoặc có nhu cầu chuyển đổi việc làm để tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết hoặc chuyển đổi việc làm.
Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Yên Bái khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo gắn đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức tổ chức đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp...
Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp theo từng vùng, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bổ sung nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… giúp mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, góp phần để Yên Bái hoàn thành mục tiêu giảm 3,5% hộ nghèo so với năm 2022, tương đương giảm 7.662 hộ nghèo trong năm 2023.
Thành Trung