Trong những năm qua, cơ cấu lao động nông nghiệp trong tỉnh đã chuyển dịch mạnh sang phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh đã giảm từ 68,18% năm 2016, xuống còn 64,8% năm 2018, giảm 3,38%.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2025 là bình quân mỗi năm chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 6.600 lao động/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2025 còn khoảng 51,9%. Trong đó, năm 2023, Yên Bái phấn đấu chuyển dịch 7.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phấn đấu hết năm, toàn tỉnh còn 54,07% lao động nông nghiệp tham gia hoạt động kinh tế của địa phương.
Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp của Yên Bái là tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, nhằm hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế…
Tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp như: chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 09/2017 của UBND tỉnh.
Nghị quyết số 35-NQ/2018/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2025 theo Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 625/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020…
Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được tập trung thực hiện đồng bộ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được đẩy mạnh.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trước hết, Yên Bái đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, kết nối hiệu quả thông tin cung-cầu lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển dịch 6.453/7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 92,2% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng…”.
Trong những năm qua, Yên Bái thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng, kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã đạt được hiệu quả đáng mừng. Tuy nhiên, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lao động cao, hết năm 2022 là 55,68%. Tỷ lệ này cao hơn so với cả nước và cao hơn một số tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc như: Hòa Bình là 55,2%, Lào Cai là 53,7%.
Nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô sử dụng lao động không nhiều, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa thật sự đa dạng, mức lương và thu nhập trả cho người lao động chưa cao…
Để đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp một cách bền vững, tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách đào tạo nghề, vai trò vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
"Với vai trò của mình, ngành lao động - thương binh và xã hội thấy cần thực hiện tốt các giải pháp hiện đại hóa hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động và tăng cường các kênh giao dịch việc làm. Xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối với hệ thống giao dịch việc làm quốc gia nhằm hỗ trợ, cung cấp kịp thời thông tin đến người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ hiệu quả người lao động tìm kiếm việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động của Quỹ quốc gia về việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, nhất là triển khai có hiệu quả phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.…” - ông Lê Văn Lương cho biết thêm.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh từ THCS và THPT vào học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15-35 đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đào tạo các nghề phi nông nghiệp, nhất là các nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo gắn đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức tổ chức đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động tỉnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thành Trung