Lục Yên phát triển nông phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/4/2023 | 7:40:28 PM

YênBái - Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương là điều kiện để Lục Yên tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

Từ khi gia đình ông Tống Văn Anh ở thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Gà trống thiến Lục Yên”, sản phẩm chăn nuôi của gia đình được tiêu thụ ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao. Có nhiều kinh nghiệm nuôi gà trống thiến, cùng với hưởng lợi từ chủ trương phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực của huyện, của tỉnh, quy mô chăn nuôi của gia đình ông Anh không ngừng tăng. Năm 2022, gia đình ông đã xuất bán 2.000 con gà thương phẩm, doanh thu gần 1 tỷ đồng. 

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Lục Yên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Măng mai là một trong những sản phẩm được quan tâm đầu tư phát triển. Măng, thân, lá của cây mai đều bán được. Bởi vậy, mấy năm gần đây, anh Hoàn Văn Huấn - thôn Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng đã đầu tư trồng măng mai, có búi cho thu hoạch tới 2 tạ, giúp gia đình anh có việc làm, thu nhập ổn định.   

Cùng với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất theo vùng…, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn đã được Lục Yên đẩy mạnh. Huyện đã hình thành các hợp tác xã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến cung cấp sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng. 

Đến nay, Lục Yên đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha; vùng ngô diện ổn định hàng năm 5.150 ha/năm; vùng lạc 1.000 ha/năm cùng trên 1 ngàn ha cây ăn quả có múi. Huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất cây ăn quả, trong đó có 3 hợp tác xã đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn huyện có trên 5.000 ha quế, trên 900 ha tre lấy măng ...; đã có 16 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương là điều kiện để Lục Yên tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thành Trung - Hoài Văn