Cùng với quy hoạch vùng, huyện định hướng người dân quan tâm khâu lựa chọn các loại giống tốt, sạch bệnh; tập trung đầu tư chăm sóc để duy trì những vườn cây đang cho thu hoạch; cải tạo, thay thế dần những vườn đã già cỗi, năng suất thấp bằng cách trồng cây ghép; đảm bảo quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật.
Bà Đinh Thị Thư, thôn Tiền Phong, xã Liễu Đô bày tỏ: "Nhà tôi trồng được gần 300 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh. Được cán bộ hướng dẫn về kỹ thuật nên vườn bưởi phát triển tốt, không bị sâu bệnh và cho nhu nhập khá”.
Những năm gần đây, huyện Lục Yên tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển cây ăn quả bảo đảm tính liên vùng, phát huy lợi thế của từng vùng, trọng tâm là phát triển tại các xã có nhiều diện tích đồi núi thấp, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, điều kiện khí hậu thời tiết, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, tạo ra hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bà Hoàng Thị Vững, thôn 1, xã Mường Lai chia sẻ: "Nhà tôi trồng thanh long ruột đỏ, ban đầu do thiếu kinh nghiệm nên năng suất đạt thấp. Từ khi được cán bộ nông nghiệp chuyển giao khoa học, kỹ thuật hiệu quả kinh tế của việc trồng cây thanh long đã khác hẳn. Tôi rất yên tâm về cây trồng này”.
Từ năm 2016, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, huyện Lục Yên tập trung chỉ đạo các đơn vị thí điểm mô hình đầu tư phát triển sản xuất cây ăn quả như: cam sành, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mít Thái... Đồng thời, hỗ trợ các HTX, hộ gia đình đầu tư sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Trên cơ sở đó, xây dựng sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm nông sản.
Mặt khác, phát triển cây ăn quả tập trung nhằm tạo điều kiện cho một bộ phận doanh nghiệp, hộ gia đình có tiềm năng kinh tế tích tụ, tập trung đất đai tổ chức sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, đầu tư thiết bị ứng dụng theo hướng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây ăn quả, tạo ra nguồn hàng hóa lớn, có thương hiệu, nhãn hiệu cung cấp ra thị trường có thể cạnh tranh với sản phẩm khác, mang lại giá trị, lợi nhuận cho người sản xuất.
Qua thống kê, hiện nay, toàn huyện Lục Yên có trên 730 ha cây ăn quả có múi; trong đó, có khoảng 500 ha cho thu hoạch, trung bình mỗi năm tổng sản lượng đạt khoảng 7.500 tấn, giúp nông dân trên địa bàn huyện thu về hàng chục tỷ đồng.
Cùng với quy hoạch vùng, huyện định hướng người dân quan tâm khâu lựa chọn các loại giống tốt, sạch bệnh; tập trung đầu tư chăm sóc để duy trì những vườn cây đang cho thu hoạch cao; cải tạo, thay thế dần những vườn đã già cỗi, năng suất thấp bằng cách trồng cây ghép; đảm bảo quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Cùng đó, chỉ đạo các xã đặc biệt coi trọng vào phát triển cây ăn quả để đưa cây trồng này trở thành ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Tiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho hay: "Những năm tới, xã sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng cây ăn quả cho nông dân; đồng thời, chú trọng phát triển những cây phù hợp với địa phương nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn”.
Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của quá trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất để có đầu ra ổn định và tạo hướng đi bền vững cho người nông dân.
Khắc Điệp