Hội Nông dân tỉnh gia tăng giá trị từ rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/4/2023 | 7:32:49 AM

YênBái - Với sự đồng hành của Chương trình FFF, HND tỉnh đã phối hợp tổ chức các diễn đàn đa ngành để người nông dân được nâng cao nhận thức, nhất là thành viên các THT, HTX về những tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp giảm thiểu, thích ứng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần gia tăng giá trị từ rừng.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh khảo sát đưa cây keo Úc vào trồng rừng gỗ lớn tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh khảo sát đưa cây keo Úc vào trồng rừng gỗ lớn tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.


Thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã triển khai các hoạt động cụ thể hỗ trợ hiệu quả hội viên nông dân (HVND) phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) rừng và các sản phẩm dưới tán rừng.

Chương trình FFF được triển khai đã có tác động tích cực tới nhận thức, kiến thức của nông dân, thành viên tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), cũng như HVND tích cực tham gia các hoạt động do Ban Quản lý (BQL) FFF tổ chức. 

Các hoạt động trong Chương trình FFF giai đoạn II được HND tỉnh tổ chức năm 2022 như: Hội thảo tập huấn về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tham quan mô hình SXKD hiệu quả, hội nghị đối thoại với nông dân... Qua đó, tạo điều kiện cho các cấp hội, các THT, HTX có thêm nguồn lực hỗ trợ HVND đầu tư, phát triển SXKD các sản phẩm dưới tán rừng. 


Ông Hán Văn Kế - thôn 4, xã Tân Đồng, Trấn Yên chia sẻ: "Tham gia Chương trình FFF, tôi đã được đi tham quan học tập nhiều mô hình làm giàu từ rừng. Cùng với việc được tập huấn, tôi đã triển khai trồng cây khôi nhung và trà hoa vàng trên 3ha diện tích rừng của gia đình, tăng thu nhập”. 

Cùng với ông Kế, HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Đồng đã được Chương trình FFF bổ sung nghề nuôi ong và xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; hỗ trợ THT Dược liệu Đào Thịnh xây dựng sản phẩm trà khôi nhung; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn. 

BQL FFF tỉnh cũng đã hướng dẫn 3 HTX, 2 THT xây dựng "Quỹ tín dụng xanh” hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững. Đến nay, tổng nguồn Quỹ tín dụng xanh đạt 107 triệu đồng, các HTX, THT cho 7 hộ thành viên vay đầu tư trồng rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ HVND… 

Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp BQL FFF II Trung ương HND Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh khảo sát, lựa chọn xây dựng 3 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 6 ha tại xã Phú Thịnh và Tân Nguyên, huyện Yên Bình…

Vừa qua, HND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh. Đây là cơ hội cho đại diện các HTX, THT, HND được thảo luận về những khó khăn, vướng mắc để các sở, ngành và Chương trình FFF cùng tháo gỡ. 

Anh Phạm Văn Tiến - Chủ tịch HND xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Thực hiện Chương trình FFF, HND xã đã tuyên truyền cho hội viên trồng quế theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, người dân còn gặp khó khăn trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng quế. Cùng với đó, để phát triển du lịch trải nghiệm nông, lâm nghiệp nông dân Đào Thịnh cần có hướng đi cụ thể”. 

Vấn đề anh Tiến nêu đã được các sở, ngành trả lời thấu tình, đạt lý. Cũng tại hội nghị, các sở, ngành cũng đã giải đáp về các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX; các chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên… Những chính sách gần gũi với người SXKD rừng, giúp họ gia tăng giá trị kinh tế từ rừng.

Yên Bái là 1 trong 5 tỉnh tham gia Chương trình FFF, sau những thành công của giai đoạn I, giai đoạn II (từ năm 2019 - 2022 đến năm 2025) Chương trình FFF đã đặt ra mục tiêu chung. Đó là, các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại THT, HTX, trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. 

Theo bà Vũ Lê Y Voan - Cố vấn cao cấp Chương trình FFF: "Thời gian qua, HND tỉnh Yên Bái cùng với các HTX, THT tham gia Chương trình FFF đã mang lại hiệu quả, có sự chuyển mình về các sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế và tạo hệ sinh thái từ rừng. Người dân giảm sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị quế, gỗ. Công tác hỗ trợ của HND tốt hơn, vấn đề phát triển kinh tế tập thể… FFF sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân Yên Bái có các hoạt động nâng cao năng lực cho hội viên, đa dạng sản phẩm dưới tán rừng, phát triển các sản phẩm du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ, phát huy tiềm năng của các địa phương, có sự vào cuộc của các bên".

Với sự đồng hành của Chương trình FFF, HND tỉnh đã phối hợp tổ chức các diễn đàn đa ngành để người nông dân được nâng cao nhận thức, nhất là thành viên các THT, HTX về những tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp giảm thiểu, thích ứng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần gia tăng giá trị từ rừng.

Minh Huyền