Trấn Yên bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2023 | 2:56:47 PM

YênBái - Huyện Trấn Yên có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Mông, Tày, Mường… chiếm trên 38% dân số toàn huyện. Nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc, phát triển du lịch địa phương.

Nghi lễ tế mặn trong Lễ hội đình làng Dọc của người Tày xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên
Nghi lễ tế mặn trong Lễ hội đình làng Dọc của người Tày xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên


Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chủ trương phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch gắn liền với phát triển kinh tế ở địa phương, có chọn lọc, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của các dân tộc với việc hòa nhập cộng đồng quốc tế. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, có hiệu quả theo định hướng của Nhà nước… góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tác văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Thực hiện chủ trương này, huyện Trấn Yên đã triển khai tốt các đề án: "Tổng điều tra về kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái”, "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái”…

Bên cạnh đó, ngành văn hóa huyện còn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các lễ hội, làn điệu dân ca và dân vũ, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc để có phương án khôi phục, bảo tồn. Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc từ trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống được chú trọng phát huy.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 24 di sản văn hóa vật thể là các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh và nhiều di sản văn hóa phi vật thể  được kiểm kê và sẽ kiểm kê trong thời gian tới. 

Có di sản văn hóa giá trị lớn như thạp đồng Đào Thịnh và nhiều lễ hội được biết đến như: lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, xã Kiên Thành; lễ hội Đình làng Dọc, xã Việt Hồng; lễ hội Đền Hóa Cuông, xã Hòa Cuông… cùng những di tích lịch sử được xếp hạng như: Di tích lịch sử Chiến Khu Vần, Đồn Ca Vịnh…

Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: "Nhờ chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, huyện Trấn Yên đã khôi phục được một số làn điệu dân ca, dân vũ cùng các làng nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như: hát Sình ca của dân tộc Cao Lan (Hòa Cuông), Tết nhảy dân tộc Dao đỏ (Kiên Thành), múa Mỡi dân tộc Mường (Quy Mông), Lễ Cấp sắc dân tộc Dao (Y Can), Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày (Kiên Thành)… Đồng thời, tiến hành khôi phục lại các làng nghề truyền thống như nghề rèn, dệt vải của người Mông xã Hồng Ca, xã Kiên Thành…”

Hàng năm trên địa bàn huyện còn diễn ra nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích lịch sử, văn hóa. Các lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân; tiêu biểu như: Lễ hội Lồng Tồng (xã Kiên Thành), Lễ hội Đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông), Lễ hội đình, đền (xã Quy Mông)… góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng các dân tộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới địa phương.

Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian”, "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản phi vật thể, hiện nay, huyện Trấn Yên đã có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”, 10 nghệ nhân văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện cũng tổ chức các tuyến du lịch văn hóa về cội nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá danh lam thắng cảnh… nhằm khai thác lợi thế về bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Những giải pháp cụ thể thiết thực không chỉ khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hủ tục lạc hậu mà còn quảng bá, xây dựng hình ảnh con người Trấn Yên "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Bùi Minh