Đi vào "vết xe đổ", nghề nấu dầu quế lao đao

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2023 | 8:01:28 AM

YênBái - Làm ăn theo phong trào vẫn là một thói quen cố hữu không dễ gì thay đổi. Nghề nào làm ăn được là dân ta đổ xô vào đầu tư, bất chấp rủi ro, chẳng lo công nghệ, phớt lờ thị trường. Ngẫm lại, thấy thật đúng ở Yên Bái. Trước đây, là nghề bóc gỗ, trước nữa là xưởng chè mi ni và giờ đến nghề chưng cất tinh dầu quế hay gọi là nghề nấu quế .

Một xưởng chế biến tinh dầu quế tại xã Ngòi A, huyện Văn Yên đang sản xuất cầm chừng.
Một xưởng chế biến tinh dầu quế tại xã Ngòi A, huyện Văn Yên đang sản xuất cầm chừng.

Đầu tư ồ ạt vào chưng cất tinh dầu quế dẫn đến hệ lụy là tranh mua nguyên liệu, khiến giá thành lên cao; tranh mối bán hàng khi cung vượt quá cầu, chưa kể công nghệ cũ, chất lượng tinh dầu thấp… Điều đó, khiến nghề nấu dầu quế cũng đi vào vết xe đổ của lối làm ăn theo phong trào và thời điểm này đang là giai đoạn cực kỳ khó khăn mà chưa biết đâu là… đáy.

Nghề nấu dầu quế có ở Yên Bái từ lâu do vùng nguyên liệu quế lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên và một phần của huyện Trấn Yên. Thời ấy, lò nấu quế quy mô nhỏ, sản lượng thấp và giá bán rất cao. 

Đầu những năm 2000, ông T. - một doanh nhân người Quảng Ninh lên huyện Văn Yên xây dựng nhà máy nấu dầu quế quy mô lớn và lúc ấy giá nguyên liệu lá quế chỉ dao động ở mức 1.500 - 1.600 đồng/kg, trong khi giá tinh dầu lên tới trên 700.000 đồng/kg. Ông T. thắng lớn, có sức lực đã mở rộng sản xuất và phần lớn theo hình thức liên doanh xây dựng nhà máy, bao tiêu sản phẩm. 

Trên đời làm gì có chuyện một mình một chợ! Nghề nấu dầu quế cũng không phải là ngoại lệ, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhảy vào cuộc chơi. Lò nấu quế phát triển ồ ạt tại nhiều địa phương ở Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và cả thành phố Yên Bái. Phong trào càng phát triển, khi có nhiều doanh nhân Trung Quốc đứng đằng sau cung cấp trang thiết bị với giá rẻ, sẵn sàng đầu tư liên doanh bằng hình thức góp máy móc hoặc bán chịu thiết bị, thu mua sản phẩm để trừ nợ. Thống kê cho thấy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã và 120 hộ cá thể chưng cất tinh dầu quế với tổng công suất thiết kế là 955 tấn sản phẩm/năm. 

Ông Lê Quốc Huy - chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm quế cho biết: Gần 1.000 tấn tinh dầu quế/năm là cực kỳ lớn, chưa kể đó là công suất thiết kế. Nếu giá tinh dầu cao, tiêu thụ tốt, các nhà xưởng đồng loạt tăng công suất lên 40% hoặc 50%, thậm chí là cao hơn nữa. Như vậy là cung đã vượt quá cầu. Khi cung đã vượt cầu thì hàng hóa dư thừa, giá bán sẽ hạ dần. 

Đến thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, các đối tác Trung Quốc (thị trường chính tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế) ngừng thu mua, giá dầu tiếp tục hạ thê thảm về mức trên 300.000 đồng/kg (giảm 60% so với thời hoàng kim). 

Ông Nguyễn Văn Thảo ở Phố Ràng, huyện Bảo Yên , tỉnh Lào Cai cho biết: "Trước đây, tôi làm đại lý thu mua tinh dầu quế tại vùng Văn Yên (Yên Bái) và Bảo Yên (Lào Cai) rồi xuất bán sang Đài Loan. Sau đó, tôi đầu tư một nhà máy quy mô lớn. Năm nay, giá dầu xuống tới mức 320.000 đồng/kg, trong khi lúc xây dựng dự án, giá bán được tính toán là 600.000 đồng/kg. Vậy là, mấy chục tấn dầu làm ra đã lỗ ngót chục tỷ”. 

Theo khảo sát của ngành công thương, hàng loạt lò nấu tinh dầu quế ở Yên Bái đã ngưng đỏ lửa. Số còn lại sản xuất cầm chừng để chờ giá lên; sản lượng tinh dầu quế 7 tháng năm chỉ đạt 342 tấn, bằng 57% so với kế hoạch. 


Trở lại với câu chuyện phát triển ồ ạt các cơ sở nấu dầu quế. Do quá nhiều nhà máy ra đời nên việc tranh mua cành, lá quế đã diễn ra trong vòng nhiều năm nên đã đẩy giá thu mua từ trên 1.000 đồng/kg tăng dần, tăng dần và có thời điểm một số cơ sở chế biến ở xa vùng nguyên liệu đã chấp nhận thu mua với giá 2.400 đồng - 2.500 đồng/kg. Giá đầu vào cứ tăng và tăng trong khi giá bán sản phẩm tinh dầu cứ giảm dần và có thời điểm không bán được… 

Vậy là, khó khăn chồng chất khó khăn. Nguy cơ phá sản hiển hiện như xưởng chè mi ni, xưởng bóc gỗ trước đây. Khi các nhà xưởng nấu dầu quế phát triển ồ ạt, việc tranh mua cành, lá quế diễn ra còn tạo ra một hệ lụy nguy hiểm khác. 

Theo kỹ sư Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, nông dân đã phớt lờ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc quế. Nhà nào nhà nấy trồng thật mau, thật dày và có những nương quế trồng gần 2 vạn cây/héc - ta với mục đích để chặt tỉa dần bán cho các lò nấu tinh dầu. Tình trạng này dẫn đến sâu bệnh phá hoại, đặc biệt là sâu ăn lá quế, chất lượng tinh dầu, vỏ quế (sản phẩm chính) cũng kém đi. 

Nếu có dịp về các vùng trồng quế, chúng ta sẽ không khó để bắt gặp những vườn quế bị tỉa lá, chặt cành một cách quá mức, vẻ sum suê đã không còn, hình dáng cây quế chỉ còn một túm cành lá trên ngọn, chẳng khác nào cây cau. 

Kỹ sư Triệu Khánh Thiện - người có nhiều năm gắn bó với người trồng quế ở Trấn Yên chia sẻ: "Vì cái lợi trước mắt mà tỉa lá, chặt cành quá mức như vậy thì cây quế sẽ chậm phát triển, vỏ sẽ mỏng, tinh dầu sẽ rất kém. Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền để bà con từ bỏ cách làm này, nhưng để tác động với các nhà xưởng là rất khó”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà máy chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu; tỉnh, huyện cần quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng công suất chế biến tinh dầu vượt quá xa sản lượng cành, lá quế; phải tạm dừng cấp phép, tiến tới thu hồi giấy phép của những đơn vị không có vùng nguyên liệu, đặc biệt là phải cấm các lò nấu dầu quế mi ni hoạt động… 

Các ý kiến đưa ra đều vì mục tiêu phát triển bền vững ngành nghề chế biến tinh dầu quế cũng như vùng quế đặc sản. Tuy nhiên, ai cũng có quyền làm công việc hoặc sản xuất, kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy, chế tài nào xử lý các cơ sở nấu dầu quế? Ai là người tự nguyện từ bỏ ngành nghề, dự án đã đầu tư cả tỷ đồng?... 

Câu hỏi thật khó có lời giải đáp, mà chỉ có thể là khi đã phớt lờ những lời khuyến cáo, khi đầu tư làm ăn mà không tính toán, học hỏi, nghiên cứu… cứ phát triển một cách tự nhiên thì sẽ có sự chọn lọc tự nhiên, dù cơ sở nào, tổ chức, cá nhân nào làm ăn chân chính nhưng thua lỗ, phá sản cũng rất đau xót và lãng phí xã hội.

Lê Phiên