Quế là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái và chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh; đồng thời, được mệnh danh là cây trồng đa lợi ích khi từ vỏ, gỗ, lá, gốc rễ đều có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.
Cùng đó, nếu như trước đây, quế chỉ được trồng để lấy vỏ thì nay đã được chế biến thành khoảng 50 sản phẩm. Tinh dầu quế được coi là sản phẩm đặc trưng nhất từ quế; trong đó, quế Văn Yên được đánh giá có hàm lượng tinh dầu cao hơn so với các loại quế trồng ở những vùng khác.
Quế là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của huyện Yên Bái. Ảnh; Đồng bào Dao Văn Yên thu hoạch quế vỏ. (Ảnh: Thanh Miền)
Nhờ công nghệ chế biến tinh dầu phát triển, toàn bộ nguồn nguyên liệu từng bị loại bỏ gồm cành, ngọn, lá quế đều được tận thu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng quế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Ông Lê Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 cơ sở sản xuất chưng cất tinh dầu quế; trong đó, có 11 nhà máy với 12 dây chuyền sản xuất và 10 cơ sở tư nhân nấu chưng cất thủ công, sản lượng dầu trung bình đạt trên 300 tấn/năm.
Tại huyện còn có Nhà máy chưng cất tinh dầu chất lượng cao của Công ty TNHH Phúc Lợi đặt tại xã Ngòi A, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Giá tinh dầu quế năm 2022 trung bình từ 500.000 đồng/kg đến 520.000 đồng/kg, mang lại giá trị khoảng 150 tỷ đồng cho các cơ sở chế biến và khoảng 120 tỷ đồng cho người dân trồng quế bán lá với giá trung bình 1.800 đồng/kg. Tinh dầu quế Văn Yên hiện được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Bỉ…”.
Sản phẩm tinh dầu quế.
Cùng với tinh dầu, vỏ quế khô được chế biến thành quế thanh, quế điếu thuốc, quế sáo, quế cắt tròn… Bột quế để làm trà, gia vị thực phẩm hoặc dược liệu. Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn, ván bóc, ván thanh, làm cây chống cốt pha trong xây dựng, làm than sinh học...
Công nhân Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát đóng gói sản phẩm nước rửa chén, nước lau sàn từ quế.
Ngoài ra, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế cũng rất đa dạng và phong phú với trên 20 loại như: hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... Các sản phẩm này vừa sang trọng, bắt mắt vừa thân thiện môi trường. Mùi thơm đặc trưng của hương quế còn lưu lại trên sản phẩm còn trở thành nét độc đáo mà không phải loại gỗ nào cũng có.
Ông Đặng Công Long - Giám đốc Hợp tác xã Quế Văn Yên chia sẻ: "Riêng đối với dòng thủ công mỹ nghệ từ quế, chúng tôi đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu phát triển và cho ra đời với sự khéo léo, tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân đã chế tác thành những sản phẩm độc đáo, tiện ích cho cuộc sống, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và cả quốc tế. Chúng tôi cũng rất vinh dự và tự hào khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế được UBND tỉnh, huyện lựa chọn trở thành quà lưu niệm, đặc trưng cho tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Yên nói riêng để giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài nước”.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến tiểu thủ công nghiệp từ quế như: trà quế, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén... đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực bởi những tác dụng và đặc biệt là an toàn, lành tính với người sử dụng.
Với sản lượng khai thác trung bình hàng năm khoảng 18.000 tấn vỏ quế, 85.000 tấn cành, lá để chế biến tinh dầu với sản lượng khoảng 600 tấn/năm và 200.000 m3 gỗ quế, các sản phẩm từ quế là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông lâm sản của tỉnh Yên Bái. Hiện nay, các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Mỹ, Nga... Đặc biệt, sản phẩm quế điếu thuốc được dùng như một loại ống hút khi uống cà phê đang được người tiêu dùng tại thị trường Ấn Độ ưa chuộng.
Hoài Anh