Yên Bái mở đường cho sản phẩm OCOP

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/1/2024 | 8:02:41 AM

YênBái - Để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội.
Sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội.

Năm 2023, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Trong năm, toàn tỉnh công nhận 72 sản phẩm OCOP, bằng 232,2% kế hoạch, nâng hạng 3 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Lũy kế toàn tỉnh có 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao, 209 sản phẩm 3 sao. 

Chương trình OCOP đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị”. Nhiều sản phẩm đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài việc nâng cao chất lượng, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đến người dân trong nước và quốc tế được triển khai. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Để góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan thực hiện tương đối tốt công tác quản lý nhà nước về XTTM; kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt phân bổ kinh phí, nội dung, hình thức XTTM phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tập trung vào các hoạt động như: cung cấp thông tin, tuyên truyền quảng bá; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, XTTM trong và ngoài nước; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ XTTM; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước như: Alibaba, Sendo, Shopee, Voso, Postmart”. Năm 2023, nhiều hoạt động XTTM định hướng xuất khẩu được triển khai. 

Sở Công Thương chủ trì tổ chức gian hàng của tỉnh Yên Bái tham gia Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hóa Côn Minh - Trung Quốc 2023; tổ chức chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức trực tuyến; tổ chức đoàn công tác tham dự Hội nghị giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội...; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự 5 hội nghị trực tuyến giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 8 hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia...; hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đoàn khảo sát thị trường và XTTM tại Nhật Bản; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh gửi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Trà quốc tế Hadong Hàn Quốc năm 2023. 

Nổi bật trong XTTM định hướng xuất khẩu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức…

Sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu. Bước đầu, đưa được 8 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc. Các hoạt động XTTM đã tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Thời gian tới, để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về XTTM, thương mại điện tử, nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ các địa phương, các cơ sở và doanh nghiệp đổi mới phương thức bán hàng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các chủ thể sản phẩm OCOP cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng; sản phẩm phải đa dạng để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có năng lực để mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, bổ sung nguồn lực, đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tích cực quảng bá, giới thiệu hàng hoá thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ, đầu tư trang thiết bị phù hợp để đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Văn Thông